Đại diện Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết: Các cơ quan Nhà nước đang nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ kiến nghị nhiều biện pháp nhằm cải cách tiền lương. Trong đó có việc nâng mức lương tối thiểu để cán bộ, công chức, viên chức đủ sống bằng lương. Tiếp đó là mở rộng mối quan hệ lương tối thiểu – trung bình – tối đa cho phù hợp. Sau đó ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới bảo đảm phù hợp với thứ bậc trong hệ thống chính trị.
Tính từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần, từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng (tăng thêm 295,2%). Tuy nhiên, do lạm phát tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, nên đời sống của người hưởng lương vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo một khảo sát mới đây tại các bộ và địa phương, hơn 98% ý kiến cho rằng mức lương tối thiểu hiện đang áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là thấp, chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương.
Nhiều ý kiến đề nghị mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức phải bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để động viên khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó, tận tâm với công việc, làm tròn trách nhiệm công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng. Nhưng vấn đề là tiền đâu để tăng lương theo kịp với yêu cầu của xã hội?
Vật cản lớn nhất có thể kể đến hiện nay là giới hạn từ nguồn thu ngân sách nhà nước, trong khi bộ máy dù đã được tinh gọn song vẫn còn khá cồng kềnh, vượt quá khả năng của ngân sách nhà nước. Đã có rất nhiều giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, thành cả nước về cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của việc tinh giản biên chế là không cao. Sau khi thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 132 của Chính phủ năm 2007, đến nay bộ máy hành chính không những không giảm mà còn tăng lên đến 25%. Nếu năm 2000, tổng số biên chế công chức hành chính của cả nước mới hơn 200 ngàn người thì nay đã lên tới khoảng 260 ngàn người. Nguyên nhân tăng biên chế được giải thích là do phải bổ sung biên chế cho các tổ chức mới thành lập, cơ quan, đơn vị hành chính mới; do sự dễ dãi, cả nể, và cả do tư tưởng cục bộ, địa phương…
Vì thế, muốn cải cách tiền lương, thì phải giảm biên chế thực sự trong các cơ quan, tổ chức đang nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước. Phải đổi mới một cách cơ bản bộ máy nhà nước sao cho tinh gọn, tránh trùng lắp, chồng chéo và nhất là bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành. Nếu bộ máy nhà nước phình to, số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước quá nhiều và không hợp lý, thì ngân sách nhà nước không thể chịu nổi việc cải cách chế độ tiền lương.
Việc tinh giản biên chế chỉ thật sự hiệu quả khi các ngành, các cấp phải có sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm. Và khi đó chúng ta mới có thể tính đến một chế độ lương bổng hợp lý để những người có năng lực yên tâm công tác.
|