Phong trào “Nói không với bệnh thành tích” phát động từ nhiều năm nay, rất sôi nổi trong thời gian đầu, nhưng rất tiếc là bệnh thành tích trong ngành Giáo dục xem ra chưa giảm.
Mới đây, anh bạn đồng nghiệp cầm tờ giấy cam kết ấm ức phân bua: “Giáo viên nào cũng phải làm cam kết phấn đấu tỉ lệ học sinh giỏi, khá và lên lớp của mình phải đạt 95%. Nếu thế thì cầm bằng chạy theo thành tích rồi còn gì. Một lớp có đến 50 học sinh mà học sinh yếu, kém chỉ có 5 em. Nếu không “vớt điểm” thì sao mà đạt đúng tiêu chuẩn cho được…”.
Ấm ức thì nói vậy, nhưng tôi biết, anh bạn của mình không thể không ký vào bản cam kết. Chẳng riêng gì ở bậc tiểu học, THCS mà lên cả bậc đại học, nhiều trường đại học phấn đấu đạt tỉ lệ sinh viên khá, giỏi chiếm áp đảo, có lúc tới 95-98% như một số báo vừa nêu. Hậu quả là, nhiều học sinh tiểu học viết chính tả chưa rành, nhân chia không thuần thục vẫn được “đẩy” lên cấp hai; không ít sinh viên ra trường với tấm bằng khá, giỏi nhưng lại bị nhà tuyển dụng chê vì không qua nổi vòng phỏng vấn, làm việc không hiệu quả.
Một chuyện khó nói, khó giải quyết nữa là vấn nạn dạy thêm, học thêm trong ngành Giáo dục. Chuyện xưa như quả đất, song vẫn cứ làm phiền phụ huynh đều đều đầu năm học. Thằng cháu tôi học trường V., nhưng điểm mặt chỉ tên thầy X., cô Y. ở trường khác nổi tiếng vì “dìm” học sinh không đi học thêm nhà mình. Cháu nghe các bạn học cùng nhóm nói vậy. Muốn giỏi trên trường lẫn thực lực, một số học sinh phải học 2 “cua”: “cua” ở nhà thầy dạy trên lớp và “cua” của thầy lấy kiến thức thực chất. Một học sinh ngoài giờ học trên trường, phải học thêm 4-5 cua là chuyện thường.
Một chị bạn cứ tấm tắc khen con mình tuy mới học lớp 6 nhưng biết “khôn sớm”. Khi thấy cô giáo dạy ở lớp hay vặn vẹo, hỏi khó mình, cháu lập tức đến hỏi nhỏ cô rằng: “Cô có dạy thêm ở nhà không em xin đi học”. Giáo viên dạy thêm thì phân bua: Lương giáo viên không đủ sống, nếu không dạy thêm thì lấy gì mà chi tiêu. Lẽ dĩ nhiên, tôi không vơ đũa cả nắm, bởi lẽ không ít giáo viên vẫn giữ mình thanh sạch, công bằng với mọi học sinh.
Những vấn đề tiêu cực trên rõ ràng không thể đổ lỗi hết cho hệ thống giáo dục, mà lỗi ở đây cũng có phần do chính phụ huynh, xã hội khi chạy theo thành tích, hư danh. Ít phụ huynh muốn chấp nhận sự thật con mình học yếu, học kém, thậm chí ở lại lớp, mà ai cũng muốn con ngoan, học giỏi. Đón con ở cổng trường, câu đầu tiên hầu hết phụ huynh sẽ hỏi con là: “Hôm nay con được mấy điểm?”; mấy ai hỏi câu: “Hôm nay con đi học có vui không”. Con học yếu kém, phụ huynh năng đến nhà thầy cô, nhờ kèm cặp, quà cáp để con mình được “chiếu cố” hơn. Chính áp lực thành tích của phụ huynh, xã hội đã góp phần đẩy căn bệnh thành tích trong giáo dục ngày càng trầm trọng hơn, biến tướng thành nhiều dạng hơn trước.
Chống bệnh thành tích trong giáo dục ư? Nói thì dễ… Không dễ nếu không có sự quyết tâm chung của ngành giáo dục, gia đình và xã hội.
|