Gần đây, chủ trương tăng viện phí được đưa ra và ngay lập tức đã gặp phải phản ứng khá gay gắt của xã hội. Theo số liệu thống kê gần nhất, hiện có đến 38% người Việt Nam không mua bảo hiểm y tế, đa số là lao động tự do, làm nông hay có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, một khi viện phí tăng, sẽ tác động thẳng vào cuộc sống của người nghèo.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam đứng thứ 183/194 nước về mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe, bởi vì người dân phải tự chi trả 73% chi phí cho chăm sóc sức khỏe qua việc chi trả viện phí và tự mua thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, khuyến nghị của WHO là tỉ lệ này nên dưới 50%. Một bản báo cáo của cơ quan phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, thì cho biết: có tới hai phần ba trợ cấp y tế rơi vào hai nhóm dân số giàu nhất, trong đó nhóm giàu nhất nhận được 45% tổng trợ cấp và nhóm nghèo nhất chỉ nhận được 7% tổng trợ cấp. Các hộ nghèo ít được hưởng trợ giúp y tế do họ thường ít sử dụng các dịch vụ y tế chính thức với nhiều nguyên do như không đủ tiền chi trả viện phí hoặc không có bảo hiểm y tế... Khi bệnh nhẹ, họ tự mua thuốc uống hoặc uống thuốc nam, bệnh nặng họ không đủ tiền nằm bệnh viện lâu dài.
Mặc dù Chính phủ cũng đã chú ý đến việc hỗ trợ người nghèo trong khám chữa bệnh, nhưng trên thực tế Nhà nước không đủ sức lo cho tất cả người nghèo và ngay với người được hưởng chế độ thì cũng chỉ được hỗ trợ ở mức độ chi trả của bảo hiểm y tế (chiếm khoảng 50% tổng chi cho việc khám chữa bệnh). Số 50% còn lại rơi vào các khoản chi mua thuốc đặc trị không được bảo hiểm chi trả, dịch vụ y tế cao, chi phí ăn ở, đi lại... vẫn là một gánh nặng rất lớn đối với người nghèo.
có thể nhận thấy sự hợp lý của việc tăng viện phí nếu nhìn từ phía các cơ sở y tế. Nhưng nếu nhìn từ góc độ an sinh xã hội thì khi tăng viện phí người nghèo sẽ là đối tượng bị tổn thương rất lớn. Khi một chính sách liên quan đến những người nghèo, có thể gây ra những tác động lớn về mặt an sinh xã hội của số đông, thì hơn hết mọi thứ Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách cho hợp lý hơn.
|