Gần cả tháng nay nhiều địa phương trong cả nước, từ miền Bắc cho đến miền Trung và tới tận Đồng bằng sông Cửu Long, đã và đang phải oằn mình chống chọi với thiên tai, bão lũ. Có thể thấy, các thiệt hại khác về kinh tế, xã hội và đời sống do thiên tai gây ra còn rất lớn không thể thống kê một cách chính xác và đầy đủ được.
Chỉ một cơn bão số 5, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã thiệt hại vật chất hàng ngàn tỉ đồng. Còn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An…, đã làm nhiều nhà cửa, vườn ruộng của người dân bị hư hại hoặc bị nước lũ cuốn trôi; nhiều công trình cơ sở hạ tầng như đê điều, cầu cống, đường giao thông bị tàn phá nặng nề. Thiệt hại về vật chất sơ bộ ước tính cũng đã lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, thiệt hại về nhân mạng cũng đã lên đến hàng mấy chục người. Thực tế các đợt thiên tai vừa qua cho thấy, ngoài sự khắc nghiệt của thiên tai còn có nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị cho việc phòng chống thiên tai chưa tốt. Chẳng hạn công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đê chưa được quan tâm đúng mức, các công trình xây dựng không đảm bảo độ cao theo quy định…
Tỉnh ta nằm ở vùng duyên hải miền Trung, là địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão, lũ xảy ra. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão là không ít người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh miền Trung lại trở thành nạn nhân của bão, lũ. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, do sự tác động vào tự nhiên thái quá để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… nên mức độ tàn phá của thiên tai ngày càng dữ dội, diễn biến cũng không còn tuân theo các quy luật nên mức độ thiệt hại cũng nặng nề hơn.
Chúng ta cũng đều biết rõ khi thiên tai xảy đến thì con người chỉ có thể phòng tránh để hạn chế bớt thiệt hại chứ không thể nào ngăn chặn được sự tàn phá khốc liệt của nó. Nếu việc chuẩn bị ứng phó thiếu chu đáo, các dự liệu về tình huống xấu nhất có thể xảy ra và phương án chủ động đối phó không được tính toán trước… thì hậu quả thiệt hại không thể lường hết.
Vì thế, công tác phòng chống thiên tai phải được đặt lên hàng đầu, phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động trong việc chuẩn bị các phương án và nguồn lực phục vụ công tác này; phương châm “bốn tại chỗ” phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thật sự chứ không chỉ “làm cho có” theo kiểu đối phó. Nếu nơi nào, địa phương nào, cấp có trách nhiệm nào thiếu sự chủ động trong công tác phòng ngừa, để rồi phải gánh chịu thiệt hại như một… “sự đã rồi” thì có hối cũng không kịp. Và đó có thể coi là một tội lỗi không thể tha thứ!
|