Cách đây chưa lâu, dư luận râm ran khi một số lãnh đạo các ngân hàng thương mại bị đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ vì huy động vượt trần lãi suất 14%/năm, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mới đây, dư luận lại xôn xao với quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng thay tổng chỉ huy công trình xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức khi ông đi thị sát công trình này và nhận thấy công trình thi công chậm tiến độ, kéo dài thời gian mà không có biện pháp khắc phục.
Cụ thể hơn, công trình này được khởi công xây dựng từ tháng 12.2007 với tổng vốn hơn 1.345 tỉ đồng từ ngân sách và vốn vay, do Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, lẽ ra nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý 1.2010 nhưng việc thi công hết sức ì ạch khiến dự án chậm tiến độ gần hai năm. Khi đoàn công tác vào thị sát thì công nhân tụm năm, tụm bảy nhìn ngó và không làm việc. Việc chỉ huy kết nối các gói thầu hết sức lỏng lẻo, công việc giao không rõ ràng nên công nhân không có việc để làm và… không biết làm việc.
Sau các quyết định kỷ luật nghiêm khắc của Ngân hàng Nhà nước, hầu như không còn ngân hàng thương mại nào dám “vượt rào”, vốn đã quay lại mặt bằng chung, chấp nhận cạnh tranh lành mạnh. Còn sau quyết định thay người của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, người ta hy vọng tiến độ thi công của công trình sẽ được cải thiện.
Không làm được việc thì từ chức, không chịu từ chức thì bị cách chức là chuyện chẳng có gì lạ ở nước ngoài. Ở ta, xưa chuyện cách chức cũng không hiếm. Nhưng cái việc tưởng như bình thường ấy lại được bàn tán rôm rả, là vì trước nay thực hiện nó khó quá. Trong “bộ máy” hiện nay, những việc riêng, ân nghĩa riêng, nhiều khi lấn át cái công, khiến việc thực hiện phép công trở nên vô cùng khó khăn.
Bởi vậy, nhìn rộng ra, đâu đâu cũng thấy những tồn tại, bức xúc kéo dài, như chuyện lấn chiếm đất công xây nhà trái phép; chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, họp chợ; chuyện vi phạm hành lang đường bộ, đường sắt, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông… Nhưng rồi những người chịu trách nhiệm ở các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng chẳng ai bị sao, nặng lắm thì cũng chỉ bị nhắc nhở trong các cuộc họp, nên không ai biết sợ và mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Rõ nhất là chuyện tai nạn giao thông. Đã có nhiều văn bản nói rõ địa phương nào để tai nạn giao thông gia tăng thì chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp trên. Nhưng từ bấy đến nay chưa có vị nào bị hề hấn gì, dù chỉ là bị khiển trách, trong khi nhiều nơi tai nạn giao thông vẫn liên tục gia tăng. Xem ra cũng chỉ là chuyện nói suông, dọa suông mà thôi!
Người dân mong mỏi ngày càng có nhiều người đang giữ trọng trách với dân, với nước dám làm, và làm quyết liệt với những sai phạm, yếu kém. Không thể cứ mãi cư xử với nhau kiểu “dĩ hòa, vi quý”, “dễ người, dễ ta”. Những động thái quyết liệt của các tân bộ trưởng đã dấy lên một tia hy vọng về kỷ cương phép nước được giữ vững và một sự chuyển biến trong ý thức trách nhiệm của người đứng đầu. Hy vọng đây không phải là những “phát súng” lẻ loi và chìm nghỉm như ném đá ao bèo.
|