Mới vào đầu năm học, hiệu trưởng của một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Quy Nhơn than thở vì nhiều giáo viên muốn nghỉ trong khi trường lại không tuyển được người khác. Nguyên nhân cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn khiến ngày càng nhiều giáo viên, cán bộ quản lý mầm non nghỉ việc.
Hiệu trưởng này cho biết, mức lương khiêm tốn, chỉ nhỉnh trên 1 triệu đồng/tháng (chưa trừ các khoản nộp bảo hiểm và đóng góp khác). Trong khi ngày nào các cô cũng phải đến lớp từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều để chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Thử hỏi, với mức thu nhập ít ỏi như vậy trong thời buổi giá cả “leo thang” như hiện nay, cuộc sống của các cô có đảm bảo không?
Việc dạy trẻ hiện nay không hề đơn giản. Áp lực đối với giáo viên mầm non ngày càng nặng nề. Thông tư liên tịch ngày 28.11.2007 Liên bộ Giáo dục - Đào tạo và Nội vụ về việc “Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập” nêu rõ lớp có trẻ bán trú: Hai giáo viên phụ trách một lớp có từ 25-30 trẻ và lớp mẫu giáo nếu nhiều hơn 10 trẻ thì được bố trí thêm một giáo viên. Nhưng ở các trường mầm non, giáo viên thiếu mà học sinh thì đông, nên có lớp trên 40 học sinh, nhưng cũng chỉ có hai giáo viên.
Những bất cập quanh việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên mầm non đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng chỉ khi một số giáo viên mầm non của một số trường mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước đồng loạt xin nghỉ việc vì không “sống nổi” thì mới thật sự làm xã hội nhức nhối.
Để giải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng không thể trông chờ vào khoản đóng góp của phụ huynh học sinh để giảm bớt khó khăn cho các cô như cách mà hiện một số trường đang làm. Cái chính là cần nâng mức lương khởi điểm cao hơn, có chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên bậc học mầm non, nhất là các cô giáo trẻ mới tốt nghiệp từ các trường đào tạo chuyên ngành. Không phải được trả lương đúng với công sức bỏ ra thì các giáo viên này mới “yêu trường, mến trẻ”; nhưng đã đến lúc xã hội cần ghi nhận đúng vai trò, chức trách của những người đang ngày đêm miệt mài cho sự nghiệp “trồng người”…
|