Trong những ngày gần đây, có một sự kiện truyền thông thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, đồng thời cũng đã khơi ra một luồng tranh luận khá xôm tụ trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các mạng xã hội trong nước. Sự kiện “nóng” đó là việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có văn bản cấm lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ tham gia chơi gôn.
Lý do để ban hành văn bản cấm này là một số cán bộ mất quá nhiều thời gian để chơi gôn, kể cả trong các ngày nghỉ, chưa tích cực chỉ đạo, điều hành công việc dẫn đến việc xử lý công việc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án và hoạt động chung.
Cũng như bất cứ một môn thể thao nào, gôn là một môn thể thao lành mạnh và tốt cho việc rèn luyện sức khỏe của người chơi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tham gia vào môn chơi này bởi chi phí phải bỏ ra cho việc chơi gôn là không hề nhỏ, nếu không muốn nói thẳng ra rằng rất tốn kém về tiền bạc.
Người ta gọi gôn là môn thể thao quý tộc vì muốn chơi được môn này thì chỉ riêng chi phí vào sân cho một lần chơi là hàng trăm đô-la Mỹ (hơn 2 triệu đồng), chưa kể tiền thuê dụng cụ và các chi phí khác. Còn muốn chơi thường xuyên thì phải bỏ ra số tiền mua thẻ thành viên với chi phí từ hàng chục đến vài chục ngàn đô la Mỹ. Việc mua sắm trang phục, phụ kiện và bộ gậy để chơi gôn có giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng…
Vì thế, nếu không có mức thu nhập thường xuyên rất cao, hoặc không thuộc hàng “đại gia” thì không nên “mơ” tới việc chơi gôn, vì nó khó như chuyện… hái sao trên trời (!). Ấy vậy mà ở nước ta lại có rất nhiều người chỉ là công chức ăn lương nhà nước, vẫn đàng hoàng là thành viên của các câu lạc bộ gôn, thường xuyên chơi gôn mỗi kỳ nghỉ cuối tuần. Việc ông Bộ trưởng GTVT ra văn bản cấm cán bộ dưới quyền là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy sự phổ biến của tình trạng công chức chơi gôn.
Phải nói thẳng ra rằng, với việc phải đầu tư chi phí khá lớn và với đồng lương hiện tại của công chức ở Việt Nam, thì dù có hưởng mức lương tột đỉnh, cũng không vị công chức nào có đủ tiền để chơi gôn. Câu hỏi đặt ra là các vị công chức ăn lương mà vẫn chơi gôn lấy tiền đâu để mà chơi. Lần thực tế, người ta có thể trả lời được phần nào khi biết được việc một số doanh nghiệp tặng thẻ thành viên sân gôn trị giá hàng chục ngàn đô la Mỹ cho những viên chức, quan chức mà họ nhờ cậy công việc như là một hình thức hối lộ tinh vi (!).
Tuy lệnh cấm chơi gôn ở Bộ GTVT đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận, có người phản đối và có rất nhiều người ủng hộ, tất thảy đều có những lý lẽ của riêng mình. Nhưng từ câu chuyện cấm chơi gôn này người ta có thể nhìn thấy nhiều điều sâu xa hơn là chuyện một vài quan chức chơi gôn làm trễ nải việc công. Bởi lẽ, từ sân gôn người ta có thể luận ra sự liêm chính, đức tận tụy, sự đồng cảm và chia sẻ với đồng bào của đội ngũ công chức làm việc trong bộ máy nhà nước hiện nay.
|