Trị “bệnh mãn tính”!
19:40', 30/10/ 2011 (GMT+7)

Công đoàn ngành y tế đang phát động đợt triển khai thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế”, nổi bật là tiêu chí “nói không với phong bì”. Và từ cuối tháng 9, năm bệnh viện lớn ở Hà Nội đã bắt đầu thực hiện thí điểm quy tắc này. Cùng với cải cách thủ tục quy trình thăm khám, xét nghiệm, giảm phiền hà cho bệnh nhân, cán bộ y tế ở đây được yêu cầu “nói không với phong bì”, tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà họ.

Có thể thấy rõ quyết tâm của lãnh đạo ngành và các bệnh viện nhưng tính khả thi của việc làm này vẫn là điều dư luận quan ngại. Hai năm trước, khi ngành y tế triển khai chương trình “Chất lượng - sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế”, bệnh nhân cũng đã trông chờ sự thay đổi. Qua đó, bệnh nhân phần nào bớt đi những thủ tục hành chính rườm rà nhưng tinh thần và thái độ phục vụ của một số nhân viên y tế vẫn khiến nhiều người bức xúc. Đặc biệt, việc đưa và nhận phong bì đã trở thành chuyện “bình thường” trong các bệnh viện, như một thứ “bệnh mãn tính” chưa có thuốc đặc trị. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) được thực hiện từ năm 2010 thì khoản chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế xảy ra phổ biến tại các cơ sở y tế công lập, càng lên cao thì mức độ đưa biếu càng nhiều hơn. Điều này làm giảm sút niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế và chính sách y tế của Nhà nước.

Vậy đâu là gốc rễ của nạn phong bì ở bệnh viện? Tác hại của việc này như thế nào? Vì sao người bệnh vẫn cứ đưa phong bì ngay cả khi bác sĩ không đòi hỏi? Có nhiều nguyên nhân được lý giải: Bệnh nhân không muốn phải xếp hàng chờ khám bệnh quá lâu, bệnh nhân muốn lấy kết quả xét nghiệm nhanh hơn, tìm được phòng điều trị tốt hơn, được sắp xếp ca mổ sớm hơn hay đơn giản chỉ là để bác sĩ thân thiện, trò chuyện hay tư vấn thêm vài câu. Bởi ở bệnh viện bây giờ rất thiếu lời chào thân thiện, thiếu sự chỉ dẫn chu đáo, thiếu sự thăm khám, tư vấn ân cần, động viên, chia sẻ. Ông Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD, cho rằng không phải tự nhiên mà bệnh nhân đưa tiền, đa số người đưa phong bì là do bị áp lực để mong tìm được sự tận tình của nhân viên y tế.

Lần này, thông điệp về làm trong sạch ngành y lại được gióng lên mạnh mẽ. Hy vọng rằng sẽ không có chuyện “đánh trống, bỏ dùi” như trước đây nữa. Nhưng tệ nạn phong bì không chỉ tồn tại trong ngành y tế; nó được không ít người xem như công cụ hữu hiệu để giải quyết nhiều vấn đề của cuộc sống. Nó hiện diện khắp nơi như khi chạy chức, chạy dự án, làm thủ tục, giấy tờ, xin cho con học trường điểm, xin việc, để được khen thưởng... Có phong bì “bôi trơn” thì nhiều việc sẽ dễ dàng hơn; ngược lại, nếu thiếu phong bì thì không ít chuyện sẽ bị ách tắc, trở ngại. Thậm chí, ở một số địa phương, lĩnh vực, việc nhận phong bì, nhận tiền còn diễn ra công khai mà báo chí gần đây đã nhiều lần phản ánh. Kết quả tiêu cực của tệ nạn phong bì đã góp phần làm cho tham nhũng ngày càng thêm phổ biến.

Vì vậy, không chỉ ở các bệnh viện, phong trào “nói không với phong bì” cần được nhân rộng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực.

  • NGỌC MINH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mong lắm thay !  (28/10/2011)
Hiểm họa “tín dụng đen” !?  (22/10/2011)
Từ chuyện…cấm chơi gôn !?  (21/10/2011)
Giáo viên mầm non  (18/10/2011)
Không nói suông!  (16/10/2011)
Đừng để… “sự đã rồi”!?   (16/10/2011)
Nỗi lo tăng viện phí !  (15/10/2011)
Chống bệnh thành tích trong giáo dục - không dễ…  (13/10/2011)
Tăng và giảm  (09/10/2011)
Ghi nhận & tôn vinh  (08/10/2011)
Nỗi buồn… giảm tải!?   (08/10/2011)
Đừng “bỏ rơi” cây dừa  (06/10/2011)
Trẻ 5 tuổi, có cần học trước?  (04/10/2011)
Đề phòng “giặc lửa”  (02/10/2011)
Chớ có… “phong trào” ?!  (02/10/2011)