Những năm gần đây, khoáng sản là một trong những lĩnh vực làm ăn màu mỡ thu hút nhiều nhà đầu tư chen chân vào lĩnh vực béo bở này. Theo số liệu thống kê, từ khi phân cấp cho các địa phương trong việc cấp phép, các địa phương đã cấp 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản, gấp 10 lần số giấy phép Trung ương cấp. Tình trạng quản lý, khai thác khoáng sản hiện nay được các chuyên gia tổng kết cô đọng trong 6 chữ: “loạn cấp phép, thả sức đào”. Trước viễn cảnh giàu có nhanh nhờ khoáng sản, các nhà đầu tư khai thác khoáng sản, cả trong và ngoài nước, đến đâu đâu cũng đều được chính quyền các địa phương chào đón hết sức hoan hỉ.
Trong khai thác tài nguyên khoáng sản, một trong các yêu cầu có tính bắt buộc là phải đảm bảo đầy đủ chi phí khắc phục môi trường sau khai thác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số dự án khai thác khoáng sản có ý thức thực hiện điều này rất ít. Các nhà đầu tư hầu như không hề muốn bỏ ra khoản chi phí này. Họ chỉ nhảy vào khai thác bừa bãi, vơ vét tài nguyên quốc gia rồi bán thô thu lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn rồi bỏ đi, mặc kệ hậu quả. Sự thịnh vượng do khai thác khoáng sản mang đến nhanh nhưng mau xẹp do tài nguyên suy giảm nhanh, còn môi trường càng suy thoái với những hệ lụy lâu dài.
Tại diễn đàn kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích, với 4.200 giấy phép khai thác ở các địa phương sẽ có ít nhất 4.200 điểm đào bới khắp các vùng miền để moi đủ loại tài nguyên đem đi xuất thô, hiệu quả kinh tế chẳng được bao nhiêu mà hệ lụy là môi trường sinh thái bị tàn phá. Chưa kể môi trường xã hội bị “ô nhiễm” trầm trọng, mỗi lò khai thác than, vàng, đá quý, titan… theo kiểu “khoáng tặc” hoặc “thổ phỉ” là một ổ nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn lao động. Ô nhiễm môi trường sinh thái và ô nhiễm môi trường xã hội qua khai thác khoáng sản bừa bãi thiếu sự quản lý đã để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, không thể đong đếm được.
Thiếu quy hoạch, buông lỏng quản lý, thiếu thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm, chính sách vừa thiếu, vừa không đồng bộ, đó là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn trong quản lý đất đai, bừa bãi trong quản lý khai thác khoáng sản hiện nay. Dư luận ủng hộ và hoan nghênh việc Chính phủ quyết định tạm dừng cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trong cả nước để chấn chỉnh và dừng ngay việc xuất khẩu khoáng sản thô qua các đường tiểu ngạch.
Tài nguyên khoáng sản là loại tài nguyên được hình thành qua cả triệu năm kiến tạo và không tái tạo. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng nó phải được tính toán cẩn trọng để phát huy hiệu quả cao nhất, phải tiết kiệm và để dành cho các thế hệ tương lai. Sẽ không gì bù đắp được khi mối lợi khai thác khoáng sản chỉ thuộc về một số người ở hiện tại, còn mất mát vĩnh viễn lại thuộc về cả quốc gia, trong suốt nhiều thế hệ.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, việc “ăn quỵt” môi trường đã xảy ra phổ biến. Nhưng thực chất, môi trường không cho ai “ăn quỵt” mà chỉ cho vay. Đó là khoản vay nặng lãi, vay một hôm nay, trả gấp ngàn lần trong tương lai.
Vì thế, tất cả mọi người hãy ghi nhớ một quy luật, cũng là một lời nguyền :“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”!
|