Ý thức kém, trách nhiệm chưa cao
18:55', 6/11/ 2011 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam, số ra ngày 28.10 cho đăng một bài làm nhiều bạn đọc, nhất là bạn đọc trong tỉnh không thể không suy nghĩ. Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh ta có 120 công trình nước sạch, nhưng ngoài 3 công trình trọng điểm do Trung tâm Nước sạch- vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN-PTNT) quản lý, khai thác hiệu quả, hàng trăm công trình còn lại đang sống dở chết dở. Những địa phương có nhiều công trình nước sạch thoi thóp nhất là các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão.

Theo tác giả, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các công trình kém hiệu quả là ý thức của người dân về bảo vệ các công trình nước sạch rất kém. Thậm chí có trường hợp đường ống dẫn nước sạch chạy qua ruộng, vào mùa khô hạn, những chủ ruộng biết trong đường ống kia có nước nên họ không ngần ngại dùng rựa đập vỡ đường ống để nước chảy ra tưới lúa cứu hạn. Nguyên nhân còn là do bộ máy vận hành các công trình nói trên không bảo đảm chất lượng. Những người có trách nhiệm vận hành các công trình nước sạch hầu như không được đào tạo, cùng lắm chỉ được dự những lớp tập huấn vài ba ngày nên việc vận hành được thực hiện theo kiểu “tiện đâu làm đó”.

Mặt khác, những công trình nước sạch ở các huyện miền núi hầu hết được xây dựng từ các Chương trình 134, 135, cấp nước không thu tiền. Đã không thu được tiền thì không có kinh phí trả lương cho người vận hành và tu sửa, nâng cấp khi chúng hư hỏng, dẫn đến thảm trạng ngày càng bệ rạc.  Một cán bộ có trách nhiệm cho biết:Trong những năm gần đây, để các địa phương phát huy tính tự chủ trong việc cấp nước sạch về các vùng nông thôn, hằng năm tỉnh phân bổ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ về cho các địa phương. Các địa phương phải có trách nhiệm đầu tư thêm kinh phí và vận động người dân đóng góp thêm để xây dựng công trình. Thế nhưng việc này chẳng mấy địa phương làm được. Chính quyền các địa phương viện lý do nghèo nên không đầu tư thêm kinh phí, “có đồng nào, xào đồng nấy”. Do vậy, hầu hết các công trình đều được xây dựng chắp vá với thiết bị cũ kỹ, lạc hậu và nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời.

Trong nhận thức của nhiều người có trách nhiệm ở địa phương dường như chỉ coi trọng công tác đầu tư xây dựng các công trình cấp nước. Xây dựng xong công trình, người dân có nguồn nước sạch coi như mục đích đã đạt được. Nhưng như vậy là chưa đủ; mục đích chỉ đạt được khi hệ thống cấp nước hoạt động hiệu quả, bền vững, người dân nông thôn được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày. Nghĩa là công tác quản lý vận hành phải tốt, hệ thống được bảo dưỡng và tu sửa kịp thời, đúng quy định.

Vấn đề này cần sớm được giải quyết, để tránh sự lãng phí tiền của của Nhà nước, tạo uy tín với các tổ chức tài trợ, mà quan trọng hơn là để đáp ứng mục tiêu cung cấp nước sạch cho người dân ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.Ngạn ngữ có câu “của bền tại người”; để quản lý, vận hành hiệu quả, bền vững công trình cấp nước tập trung nông thôn cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về nước sạch nói chung, về quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung nói riêng để mọi người từ nhà quản lý đến cộng đồng đều thống nhất về tầm quan trọng và đặt đúng vị trí của công tác quản lý, vận hành ngay trong nhận thức.

Trước khi xây dựng phải cân nhắc lựa chọn mô hình tổ chức quản lý, vận hành phù hợp. Gần đây một số nơi trong nước đã sử dụng mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty tư nhân với phương thức đối tác công tư, cả trong đầu tư xây dựng và sau đó quản lý, vận hành mang lại hiệu quả bước đầu đáng khích lệ. Mô hình tổ chức, cơ chế quản lý vận hành phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, lực lượng phải được đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ, đủ năng lực quản lý vận hành theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành.

  • NGỌC MINH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Đời cha ăn mặn…”  (05/11/2011)
Đâu chỉ mình ta!  (04/11/2011)
Nghĩ từ chuyện “răng đen”  (03/11/2011)
Trị “bệnh mãn tính”!  (30/10/2011)
Mong lắm thay !  (28/10/2011)
Hiểm họa “tín dụng đen” !?  (22/10/2011)
Từ chuyện…cấm chơi gôn !?  (21/10/2011)
Giáo viên mầm non  (18/10/2011)
Không nói suông!  (16/10/2011)
Đừng để… “sự đã rồi”!?   (16/10/2011)
Nỗi lo tăng viện phí !  (15/10/2011)
Chống bệnh thành tích trong giáo dục - không dễ…  (13/10/2011)
Tăng và giảm  (09/10/2011)
Ghi nhận & tôn vinh  (08/10/2011)
Nỗi buồn… giảm tải!?   (08/10/2011)