Cảnh giác với cái ác!
20:30', 20/11/ 2011 (GMT+7)

Vụ án Đặng Văn Cửu, 22 tuổi, sinh viên khoa Kinh tế - kế toán Trường Đại học Quy Nhơn sát hại cháu bé 8 tuổi đã làm xôn xao dư luận trong tuần qua. Bị hại là cháu Nguyễn Việt Dũng, học sinh lớp 3G Trường tiểu học Ngô Mây, TP Quy Nhơn. Thi thể của bé được tìm thấy dưới một vực sâu, chân tay bị trói và bị bịt miệng; trên người và đầu rất nhiều vết thương do bị đánh đập.

Tại cơ quan điều tra, Cửu khai vì thù ghét ông Cường – cha cháu Dũng – vì ông hay chửi mắng khi Cửu làm nhân viên lễ tân tại khách sạn Tân Yến (do ông Cường quản lý, điều hành) nên đã sát hại cháu bé để trả thù...

Cho dù vì lý do gì thì hành vi tàn bạo, mất nhân tính của kẻ thủ ác là điều không thể chấp nhận. Đám tang của bé Dũng tràn ngập nước mắt của những người thân, bạn bè, thầy cô và những người đến viếng. Sao có người ác độc đến vậy, trẻ con thì làm gì nên tội? Có nói hay không thì mọi người đều có chung một ý nghĩ như vậy.

Vụ việc đau lòng này làm cho người ta liên tưởng đến những vụ trọng án xảy ra gần đây, nhất là trong giới trẻ. Nhiều đối tượng thực hiện những hành vi tàn bạo như đâm chém đến chết người vì những lý do không đâu, đôi khi chỉ vì một cái nhìn được cho là “đểu”. Với chúng, việc cầm dao đâm người sao cứ nhẹ như không.

Tất cả cho thấy chúng ta cần cảnh giác với các loại tội phạm, với cái ác trong xã hội. Bên cạnh niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, vào “tính bản thiện” của con người, chúng ta không được lơi lỏng ý thức đề phòng với phần đen tối của xã hội và trong mỗi con người, và cần hành động tích cực để đấu tranh loại bỏ cái ác vì một xã hội văn minh.

Trồng lúa khó khăn, nhưng cỏ dại không cần ai vun xới vẫn lan tràn. Một thực tế là để nuôi dưỡng, vun trồng cái tốt đẹp, tích cực rất khó khăn nhưng cái ác, cái tiêu cực lại rất dễ lan tràn, bành trướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu” (Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản thủ đô, ngày 5.9.1954).

Một xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững khi mỗi cá nhân trong xã hội đó đều có một nền tảng đạo đức. Chỉ có trên nền tảng như vậy, mỗi công dân mới ý thức được trách nhiệm của bản thân, nhận thức rõ những việc mình cần làm để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Khi cái xấu, cái ác vẫn còn xảy ra một cách phổ biến, thường xuyên trong xã hội, thì việc tìm cách hạn chế những ảnh hưởng xấu của nó là điều hết sức cần thiết.

Và chỉ có thể làm được điều này khi việc giáo dục lòng hướng thiện được đặt xứng đáng với tầm quan trọng của nó và phải được tiến hành thường xuyên, nhất là trong bối cảnh các giá trị đạo đức đang có dấu hiệu đi xuống. Tuy đây không phải là việc dễ làm, nhưng chúng ta vẫn phải nỗ lực làm cho được. Vì chỉ có như vậy mới tạo nên một xã hội có đời sống tinh thần tốt đẹp, làm điều kiện cho sự phát triển các lĩnh vực khác, cho sự phồn vinh của cả xã hội.

Giáo dục thế hệ trẻ hôm nay là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Trong đó, nền nếp giáo dục tốt đẹp trong gia đình sẽ là hành trang đầu tiên của cha mẹ dành cho con khi bước vào đời, đồng thời để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn con cái trong suốt cuộc đời sau này của chúng. Giáo dục con cái về lẽ sống hướng thiện chính là để lại cho chúng một kho tàng quý giá nhất.

  • NGỌC MINH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cầu nối giữa Đảng với dân  (19/11/2011)
Vỉa hè cho người đi bộ !?  (18/11/2011)
Tránh khen thưởng tràn lan  (13/11/2011)
Tự hào Hạ Long !   (12/11/2011)
Đừng để đau hơn !?  (11/11/2011)
Ý thức kém, trách nhiệm chưa cao  (06/11/2011)
“Đời cha ăn mặn…”  (05/11/2011)
Đâu chỉ mình ta!  (04/11/2011)
Nghĩ từ chuyện “răng đen”  (03/11/2011)
Trị “bệnh mãn tính”!  (30/10/2011)
Mong lắm thay !  (28/10/2011)
Hiểm họa “tín dụng đen” !?  (22/10/2011)
Từ chuyện…cấm chơi gôn !?  (21/10/2011)
Giáo viên mầm non  (18/10/2011)
Không nói suông!  (16/10/2011)