Thói quen nghĩa hiệp?
20:15', 11/12/ 2011 (GMT+7)

Chuyện anh Nguyễn Phạm Duy, ở KV5, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn không ngại hiểm nguy, lao vào bắt tên cướp có hung khí, giao nộp cho công an đã làm dư luận không ít trầm trồ, thán phục. Trước đó cũng đã có nhiều người tốt bụng sẵn sàng cứu đồng loại trong cơn hoạn nạn. Nhìn xa hơn người ta thường nhắc đến những hành động dũng cảm của các hiệp sĩ bắt cướp ở Bình Dương mà báo chí đã nhiều lần phản ảnh.

Mới đây, cộng đồng mạng lại xôn xao với câu chuyện chàng trai Nguyễn Văn Bảo (Q.10, TP.HCM) ra tay cứu chú chim sẻ nhỏ bé bị thương đang thoi thóp, chữa trị và chăm sóc chú chim chu đáo cho đến khi đưa nó trở về với thiên nhiên. Đối với một chú chim sẻ mà có người còn biết thương cảm và cứu giúp đến thế nói chi là con người với nhau.

Đáng tiếc đây đó vẫn còn nhiều người vô cảm trước những nỗi đau của người khác. Có thể dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người xúm lại xung quanh người bị nạn, nhưng chỉ nhìn để thỏa mãn sự tò mò của cá nhân, rồi thôi. Câu chuyện thương tâm về bé Duyệt Duyệt ở Trung Quốc bị xe cán nhiều lần trước sự thờ ơ của nhiều người vẫn còn nóng hôi hổi, thì mới đây trên các trang mạng lại xuất hiện chuyện một nữ tài xế xe buýt bị một nhóm côn đồ sàm sỡ nhưng đa số hành khách trên xe dửng dưng, không cứu giúp.

Phải chăng sự nghĩa hiệp bị che khuất bởi nỗi sợ hãi. Họ sợ mình bị trả thù, sợ bị liên lụy nên chỉ đứng xem, bình luận và về nhà cho yên thân. Biết đâu sẽ có lúc họ rơi vào trường hợp khốn khó tương tự và sẽ kêu cứu trong vô vọng, vì chính họ trước đó đã đồng tình cho một lối sống ích kỷ, chỉ biết bản thân mình, tạo nên một môi trường tốt cho cái xấu nảy mầm.

Cũng có thể do xã hội bây giờ quá phức tạp, lừa phỉnh rất nhiều, do đó người ta cảnh giác, chọn cách phòng thủ, tốt nhất là không dây dưa vào chuyện người khác để khỏi chuốc họa vào thân. Những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một bộ phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào xã hội.

Xem ra ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, vì thế mà mỗi người cần chung tay xây nên cái tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu xa. Khi có nhiều người hành xử nghĩa hiệp thì sẽ xuất hiện thói quen nghĩa hiệp và cái tốt trở nên phổ biến. Chỉ cần mỗi người nghĩ đến người khác một chút, chìa tay cho ai đó cần giúp đỡ thì sẽ góp thêm cho đời một tia hy vọng, giúp xua tan lớp băng giá của sự vô cảm đang lăm le bành trướng xã hội.

Vì thế để chế ngự cái xấu, phát huy nhân tố tích cực trong xã hội, một mặt Nhà nước cần can thiệp để nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đồng thời toàn xã hội cần siết chặt đấu tranh chống tệ tham nhũng; các cán bộ, đảng viên cần đi đầu làm gương mới mong tạo được niềm tin trong dân chúng.

Công tác giáo dục đào tạo bên cạnh dạy kiến thức khoa học thì cũng cần phải đề cao những giá trị đạo đức, tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình yêu thiên nhiên, tình đồng loại, cũng như trang bị cho lớp trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống.Trước tiên người lớn cần phải làm gương sáng cho con trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô cũng vô cảm thì đừng mong giáo dục được thế hệ trẻ có ý thức hay giàu lòng nhân ái.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thực thi trách nhiệm  (10/12/2011)
Cưới mà không vui… !?   (09/12/2011)
Thước đo cải cách hành chính  (04/12/2011)
Mạnh tay trấn áp tội phạm   (03/12/2011)
Tín hiệu vui !   (03/12/2011)
Sử dụng hợp lý nguồn lực phát triển   (26/11/2011)
Cảnh giác với cái ác!  (20/11/2011)
Cầu nối giữa Đảng với dân  (19/11/2011)
Vỉa hè cho người đi bộ !?  (18/11/2011)
Tránh khen thưởng tràn lan  (13/11/2011)
Tự hào Hạ Long !   (12/11/2011)
Đừng để đau hơn !?  (11/11/2011)
Ý thức kém, trách nhiệm chưa cao  (06/11/2011)
“Đời cha ăn mặn…”  (05/11/2011)
Đâu chỉ mình ta!  (04/11/2011)