Ngày 26.12 là ngày truyền thống 50 năm ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam (26.12.1961 - 26.12.2011).
50 năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,3 con năm 1960 xuống 2 con năm 2010, trong khi bình quân trên toàn thế giới chỉ giảm từ 5 con xuống còn 2,5 con. Tuổi thọ bình quân tăng 33 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010. Tỉ lệ tăng dân số bình quân của nước ta đã giảm từ 3,5% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2010. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng từ 0,690 điểm (2000) lên 0,725 điểm (2009).
Những thành tựu, kết quả của chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc duy trì phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, làm tăng khoảng 2% GDP bình quân đầu người, đặc biệt là góp phần thực hiện thành công Mục tiêu thiên niên kỷ tại Việt Nam như cải thiện sức khỏe bà mẹ; giảm tử vong ở trẻ em; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực của phụ nữ; giảm tình trạng đói nghèo.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ ở nước ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Hiện tại, mức sinh thay thế mới được duy trì qua 5 năm và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khách quan và chủ quan làm tăng trở lại do phong tục tập quán của người dân muốn có đông con và phải có con trai còn rất nặng nề.
Theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát được mức sinh thì tổng tỉ suất sinh sẽ tăng lên 2,35-2,5 con và quy mô dân số sẽ đạt mức cực đại là 130-142 triệu người vào năm 2050 dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó có vấn đề an ninh lương thực. Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới; mật độ dân số ở trong nước là 260 người/km2, đứng thứ 13 thế giới. Dù đã hết sức kiểm soát, ước tính mỗi năm Việt Nam vẫn có thêm 1 triệu dân, tương đương dân số một tỉnh thuộc loại vừa.
Mặt khác, chất lượng dân số vẫn còn thấp. Tỉ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm tới 3% và xu hướng tiếp tục gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu. Tỉ suất chết sơ sinh, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn khá cao và có sự cách biệt giữa các vùng miền. Tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao.
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức về công tác DS-KHHGĐ, tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục phấn đấu đưa công tác quan trọng này vào nền nếp, đạt chất lượng cao hơn.
|