Thưởng Tết, không chỉ là nguồn thu nhập cuối năm mà người lao động trông chờ mà nó còn phản ánh hiện thực sản xuất kinh doanh trong nước.
Câu chuyện thưởng Tết ở các doanh nghiệp đã và đang trở nên rất “nóng” trong những ngày qua. Đây trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất mỗi khi có thêm một mức thưởng mới được công bố. Cũng như mọi năm, chuyện thưởng Tết như một bức tranh đa sắc màu, đủ cung bậc cảm xúc, pha lẫn buồn vui. Người thì hoan hỉ nhận hàng trăm triệu đồng, nhưng có người ỉu xìu đón Tết với số tiền thưởng vài trăm nghìn đồng. Thậm chí có đơn vị tuyên bố sẽ không có thường Tết.
Theo Sở LĐTBXH TP Đà Nẵng, Tết tới đây, các doanh nghiệp trên địa bàn thưởng cho người lao động mức thấp nhất là 100.000 đồng/người và cao nhất là 75 triệu đồng/người.
Lấy số bình quân ở khu vực các loại hình doanh nghiệp có cổ phần vốn góp Nhà nước ở thành phố này, thì cũng thấy tạm ấm lòng vì trung bình mỗi người cũng được 3,626 triệu đồng. Thế nhưng nhìn vào con số chênh lệch thì mới “giật mình”. Người thấp nhất là 500 nghìn đồng/người, cao nhất là 75 triệu đồng (hơn kém nhau 150 lần).
Còn lấy con số 500.000 đồng ở Đà Nẵng so với 1,1 tỷ đồng (cả tết Dương lịch và âm lịch) ở TP HCM thì… khủng khiếp quá. Chẳng ai dám đặt bút tính nữa.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, giá cả các mặt hàng gần tết lại tăng, thử hỏi 500.000 đồng sẽ mua được gì? Và 500.000 đồng thì có được gọi là “thưởng Tết” hay không?
Nhìn vào bức tranh thưởng tết năm nay, có thể thấy khoảng cách về thu nhập và đời sống của những người lao động trong xã hội ngày càng dãn ra. Năm nay, mức chênh lệch thưởng Tết lên tới hàng nghìn lần cũng là điều đáng suy ngẫm, trăn trở về xã hội hiện nay?!
. Theo VOV |