Tết Nguyên đán đã qua, song trong tiết xuân náo nức nơi nơi lại bước vào một mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Các điểm lễ hội trở thành điểm hẹn, điểm hội tụ thật phong phú cho những cuộc hành hương rộn rã và tấp nập với bao phấn chấn, ấp ủ và dự định tốt lành. Lễ hội là nơi để mọi người cùng tưởng nhớ, tri ân các đấng linh thiêng, các vị tiền bối dày công đức, cùng cầu an, cầu phước cho mọi người. Vì thế, lễ hội không chỉ là nơi người ta hội ngộ để cùng chia sẻ niềm vui, sở thích, lòng thành kính, tri ân… mà còn góp phần làm cho lớp hậu thế thêm quý trọng, tự hào về truyền thống quê hương, xứ sở và công lao to lớn của bao lớp tiền nhân.
Những năm gần đây, việc tổ chức và quản lý các lễ hội đã được chính quyền nhiều địa phương quan tâm, góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vui chơi giải trí của người dân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như mở rộng quy mô lễ hội một cách tràn lan; trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, bất cập; các hiện tượng tiêu cực như mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, thương mại hóa lễ hội có chiều hướng phát triển… Dù đã có chấn chỉnh nhiều nhưng nhiều lễ hội vẫn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, sai lệch, biến tướng, thậm chí xô bồ, bát nháo, khiến cho các lễ hội có nguy cơ mất dần đi những nét đẹp văn hóa vốn có của nó. Người đi lễ hội thì chen lấn, xô đẩy. Có những nơi lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, bài bạc… Thực trạng trên đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 9.2.2011, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt “tiền giọt dầu” tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ…
Đối với các lễ hội có quy mô lớn, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ, ùn tắc giao thông. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải, đưa tin có thời lượng hợp lý, chủ yếu phản ảnh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm…
Lễ hội không chỉ là những ngày vui mà còn bao hàm những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Với tính quần chúng rộng rãi, lễ hội có tác động và ảnh hưởng sâu đậm đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Vì thế, xây dựng nếp sống văn minh cho lễ hội là vấn đề cấp thiết, nhằm đảm bảo tính văn hóa, tính cộng đồng cũng như sự lành mạnh của lễ hội.
|