Đưa nhân lực thành một lợi thế
8:44', 18/2/ 2011 (GMT+7)

Khu vực Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, với dân số 8,78 triệu người, chiếm 10,21% dân số cả nước. Nhìn chung, cơ cấu lao động của vùng Nam Trung bộ đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thể hiện ở các chỉ số về cơ cấu lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47% (tỉ lệ cả nước là 52%); công nghiệp, xây dựng là 23% (cả nước là 19%) và dịch vụ là 30% (cả nước là 29%). Trình độ lao động ở Nam Trung bộ có bằng sơ cấp là 146.405 người (2,28%), trung cấp là 241.608 người (3,77%), cao đẳng là 95.971 người (1,5%) và trình độ đại học là 243.815 người (3,8%). Tỉ trọng dân số trong tuổi lao động năm 2010 là 61% tổng dân số và tiếp tục tăng lên khoảng 63% năm 2015 và sẽ giảm dần trong giai đoạn 2020 còn 61,5%.

Đáng chú ý, tỉ lệ học sinh ở khối học nghề ở 8 tỉnh Nam Trung bộ đang có chiều hướng tăng theo từng năm. Mật độ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng tương đối cao so với mặt bằng cả nước, các ngành nghề đào tạo cũng khá đa dạng, bao gồm các trường đơn ngành và đa ngành. Đây là vùng có mật độ đứng thứ 3 của toàn quốc sau Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ với 45 trường đại học, cao đẳng (11,7% toàn quốc).

Như vậy, Nam Trung bộ có lợi thế về nhân lực hơn so với một số vùng khác trong cả nước. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nhân lực chưa thực sự trở thành lợi thế của khu vực này. Do vậy, để nhân lực trở thành lợi thế nhằm tạo nên sức cạnh tranh, các tỉnh Nam Trung bộ cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 cho các địa phương cũng là để mỗi tỉnh, thành phố có căn cứ khoa học nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Trong quy hoạch, cần có phối hợp chặt chẽ giữa 4 bên: người sử dụng lao động, người học, nhà trường và Nhà nước. Trong đó, mỗi bên phải tập trung giải quyết từng vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, người sử dụng lao động cần có “đơn đặt hàng” nhu cầu lao động đối với địa phương và các cơ sở đào tạo nghề; nhà trường phải thực hiện phương châm đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị sử dụng lao động. Nhà nước là nơi tiếp nhận nhu cầu đào tạo, thực hiện quy hoạch mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo, tạo mối liên kết giữa nhà trường, người học và doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, để quy hoạch này đi vào thực chất, cần rà soát lại năng lực đào tạo nội vùng: số lượng, ngành nghề… để đánh giá mức độ đáp ứng và số lượng thiếu hụt cần bổ sung, đào tạo từ bên ngoài. Căn cứ từ nguồn lực đào tạo của địa phương mình, các tỉnh có thể chủ động mở rộng các hình thức liên kết đào tạo với các trung tâm đào tạo lớn ở TP Hồ Chí Minh để bổ sung nguồn lực, bên cạnh việc đầu tư các cơ sở đào tạo nội vùng nhằm hoàn thiện cơ cấu nguồn nhân lực. Có vậy, việc đầu tư mới không bị lãng phí và không đi vào thực chất. Các tỉnh Nam Trung bộ cũng cần chú ý nhiều hơn đến nguồn nhân lực ở những khu vực nằm trong và liền kề các khu kinh tế (Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Văn Phong), tiếp nhận họ vào làm việc tại những khu kinh tế này.

Việc xây dựng bản quy hoạch nguồn nhân lực cho các địa phương là cơ sở để mỗi tỉnh, thành phố có căn cứ phát triển kinh tế - xã hội, tránh bị động trong sử dụng nhân lực và gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong công tác đào tạo.

  • Nguyễn Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi học đầu năm  (15/02/2011)
Mất nhân tính  (14/02/2011)
An toàn là trên hết !  (12/02/2011)
Văn hóa lễ hội   (12/02/2011)
Đầu năm “Nam tiến”  (10/02/2011)
Chơi Tết, quên cả luật giao thông…  (08/02/2011)
Mùa của yêu thương!  (29/01/2011)
Bình yên trên đường   (29/01/2011)
Giá ngày Tết  (25/01/2011)
Chuẩn nghèo mới, tầm nhìn mới  (23/01/2011)
Tết thầy   (22/01/2011)
Tết cho mọi người   (21/01/2011)
Không thể lơ là  (20/01/2011)
Nỗi lo ngày tết  (16/01/2011)
Tự tin bước tới  (15/01/2011)