Điệp khúc “thiếu điện”
17:52', 20/2/ 2011 (GMT+7)

Mới đầu năm, chưa đến mùa nắng nóng nhưng ngành điện đã phải cảnh báo khả năng thiếu điện. Dự báo tình trạng thiếu điện vào mùa khô năm nay sẽ nghiêm trọng hơn năm 2010. Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện tiêu thụ năm 2011 sẽ lên tới hơn 117,6 tỉ kW giờ, tăng hơn 10 tỉ kW giờ so với năm 2010.

Trong khi đó do hạn hán, các hồ thủy điện đang thiếu nước nghiêm trọng; lượng nước thiếu hụt ở các hồ thủy điện tương đương hơn 3 tỉ kW giờ trong khi công suất các nhà máy thủy điện chiếm hơn 34% hệ thống điện. Các nhà máy thủy điện đang phải gồng mình tính toán để cân đối khả năng phát điện.

Trước tình hình như vậy, EVN đã phải chỉ đạo các đơn vị điện lực lên kế hoạch điều hòa phụ tải, tiết giảm điện ngay từ đầu năm 2011. Và một trong những giải pháp mà ngành điện đưa ra là tích cực tiết kiệm điện.

Ở Bình Định, ngành điện đang triển khai cải tạo, nâng cấp lưới điện tại các địa phương, phấn đấu hạ số tổn thất điện năng từ 25% hiện nay xuống dưới 15%. Vận động các cơ quan, công sở, hộ gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; thay thế các thiết bị chiếu sáng tổn hao nhiều điện năng… (Báo Bình Định, số ra ngày 17.2).

Tuy nhiên giải pháp có ý nghĩa cơ bản và lâu dài là phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ mọi khó khăn để sớm đưa vào vận hành các nhà máy, tổ máy mới, nhất là nhiệt điện để tăng sản lượng cho hệ thống. Chỉ khi “cung” theo kịp “cầu” thì mới giải quyết được “cuộc khủng hoảng” thiếu điện này.

Thiếu điện là “bài ca” muôn thuở từ nhiều năm qua. Nguyên nhân một phần do các cơ quan tham mưu về phát triển điện thiếu tầm nhìn, lên kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện không theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Những nỗ lực tiết kiệm điện là cần thiết nhưng không thể đủ để giải quyết vấn đề của ngành điện.

Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể phát triển được một thị trường điện cạnh tranh mà lý do cơ bản nhất là giá điện luôn bị EVN áp đặt. Các nhà phát điện không thể đàm phán được với EVN theo một biểu giá hợp lý, và vì thế họ không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.

Đã có nhiều kiến nghị của các học giả, nhà kinh tế trong nước yêu cầu phá vỡ thế độc quyền của tập đoàn này nếu muốn đảm bảo an ninh điện lực. Yêu cầu này cũng đã được các nhà tài trợ quốc tế lên tiếng trong các cuộc đối thoại hàng năm với Chính phủ về các vấn đề phát triển của Việt Nam.

Cách đây gần một thập kỷ, thị trường viễn thông Việt Nam cũng chứng kiến điều tương tự như ngành điện khi VNPT độc quyền trong ngành này. Sự mở cửa cho cạnh tranh đã mang lại một bộ mặt hoàn toàn mới cho ngành viễn thông ngày nay.

Kinh nghiệm đó, cùng với những diễn biến trong cuộc sống cho thấy, việc cải tổ ngành điện là một yêu cầu không thể trì hoãn.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Minh bạch tài sản, thu nhập  (19/02/2011)
Giá Tết !?   (19/02/2011)
Đưa nhân lực thành một lợi thế  (18/02/2011)
Đi học đầu năm  (15/02/2011)
Mất nhân tính  (14/02/2011)
An toàn là trên hết !  (12/02/2011)
Văn hóa lễ hội   (12/02/2011)
Đầu năm “Nam tiến”  (10/02/2011)
Chơi Tết, quên cả luật giao thông…  (08/02/2011)
Mùa của yêu thương!  (29/01/2011)
Bình yên trên đường   (29/01/2011)
Giá ngày Tết  (25/01/2011)
Chuẩn nghèo mới, tầm nhìn mới  (23/01/2011)
Tết thầy   (22/01/2011)
Tết cho mọi người   (21/01/2011)