“Thương hiệu” của võ Bình Định từ rất lâu, đã vượt quá khỏi ranh giới của một miền đất và lan tỏa khắp nước và trở thành nơi tìm về của những người một lòng mến mộ võ học dân tộc.
Chẳng thế mà, các kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam đều thu hút cả trăm đoàn, với hàng ngàn võ sinh về tụ hội. Ngoài cái ý nghĩa về sự thi thố tài năng, những kỳ “đại hội võ lâm” này cũng là dịp để các võ sinh, võ sư học võ cổ truyền hành hương trở về miền đất tổ, cái nôi của võ Việt. “Nước xuôi ra biển lại mưa về nguồn” chẳng phải ra là cái quy luật chung của lòng người, bất kể Đông - Tây, đấy thôi.
Cái đặc sắc của đất Võ Bình Định đâu chỉ phải những CLB trang bị đầy đủ các dụng cụ thi đấu, ở các võ đường hoành tráng, ở những môn công phu bí truyền của từng môn phái, mà hóa ra, chính ở sự lan tỏa của võ trong cộng đồng làng. Làng võ Bình Định, cái tên gọi vừa thân quen mà vừa có sức mê hoặc kỳ lạ. Ở đó, võ đâu chỉ còn là những chiêu thức và bài bản tập luyện, mà đã trở thành một dáng nét trong văn hóa cộng đồng làng. Từ cái nôi sinh thành ấy, võ đã lan tỏa, đã được dưỡng nuôi bền bỉ, qua bao biến cố của thời gian, lịch sử, để còn mãi với muôn đời sau. Và cũng do vậy mà ở Bình Định, có khái niệm “võ sư vườn”, tức trong đời thường, các võ sư vẫn làm ruộng, chăn bò, sửa xe đạp… nhưng khi màn đêm buông xuống, trút bỏ bộ đồ đẫm mồ hôi và khoác bộ võ phục lên người, họ trở thành những người truyền thừa võ học. Võ đường của họ, chỉ là mảnh vườn nhỏ với dụng cụ tập luyện chỉ là vài bao cát giản đơn.
Làng võ Bình Định, bởi vậy, đã trở thành niềm tự hào của người dân đất Võ. Làng võ Bình Định cũng đã thành điểm đến của bao khách hành hương. Bởi vậy, tìm về Bình Định, đâu chỉ là đến với một, hai võ đường, mà là để đặt chân lên An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, Phú Phong và nghe trong từng bước chân đi, lịch sử của võ học song hành cùng lịch sử của một vùng đất.
Những làng võ tuy không cách xa nhau lắm, rất thuận lợi cho việc tổ chức một tour du lịch. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay, những làng võ đã phần nào mất đi không khí đặc trưng, thiếu không gian khách đến tham quan thưởng thức vài bài võ hay được giới thiệu về cội nguồn làng võ, dòng chảy võ trong hành trình lịch sử của miền đất Võ. Có võ đường, tuy danh tiếng, nhưng lại nằm sâu trong một ngõ nhỏ mà nếu muốn vào làng võ để tham quan, khách du lịch phải đi bộ tới vài trăm mét.
Giá như, chúng ta đầu tư, để mỗi làng võ có một tổ đình, với nơi thờ tổ võ, nơi trưng bày các binh khí và thành quả của võ đường, có sân biểu diễn và nơi để du khách ngồi thưởng thức một vài bài võ đặc trưng, thì có lẽ, du lịch Bình Định sẽ có thêm những điểm nhấn, những tour du lịch hấp dẫn. Và đó cũng là cách để quảng bá võ - một “đặc sản” của Bình Định xưa và nay.
|