Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, năm 2010, tỉnh ta đã chọn 3 xã: Nhơn Lộc (huyện An Nhơn); Bình Thành (huyện Tây Sơn); Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến năm 2015, có 26 xã (chiếm 20% tổng số xã) đạt tiêu chí về nông thôn mới (Báo Bình Định, số ngày 23.2).
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân có đời sống văn hóa và vật chất thấp.
Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã có Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư ngày 5.8.2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó có mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường...”.
Tuy nhiên, để Nghị quyết 26 của Trung ương đạt được mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới, cần phải có quyết tâm, nguồn lực và thời gian để thực hiện chương trình. Nước ta xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn nên phải mất nhiều thời gian và huy động từ nhiều nguồn lực xã hội, trong đó có sự đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, huy động như thế nào là điều phải tính toán, cân nhắc. Bên cạnh việc chống khuynh hướng ỷ lại, dựa dẫm vào Nhà nước, cũng không nên khai thác quá mức sức dân; mọi công trình xây dựng đều phải mang lại hiệu quả thiết thực, không chạy theo thành tích, phô trương, lãng phí.
Thực tế còn cho thấy, nhận thức về việc xây dựng nông thôn mới ở nơi này, nơi kia còn nhiều hạn chế, lệch lạc. Nhiều nơi thường chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trong khi vấn đề sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa cho người dân lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó việc đầu tiên là nông thôn mới phải có diện mạo sạch sẽ, hạ tầng tốt, vệ sinh môi trường đảm bảo, thu nhập người dân nâng cao.
Các chuyên gia còn cho rằng, xây dựng nông thôn mới phải có lộ trình phù hợp trong mối quan hệ giữa nông thôn truyền thống và nông thôn mới. Phải làm sao vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của nông thôn truyền thống, nhưng cũng chứa đựng yếu tố hiện đại phù hợp với nhu cầu con người, với xu thế phát triển.
Từ thực tế triển khai, muốn đạt hiệu quả như mong muốn, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, cần làm rõ những nội dung quy hoạch, cách thức quy hoạch. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, phải xác định nông dân là chủ thể và họ phải được tham gia đóng góp những vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển nông thôn. Bởi hơn ai hết, họ là người được hưởng thành quả, có nhiệm vụ giữ vững, bảo vệ thành quả đó.
|