Nghề & Nghiệp ?
11:2', 28/2/ 2011 (GMT+7)

Buổi sáng ngày nghỉ cuối tuần, cả nhóm ngồi với nhau cà phê chuyện vãn. Một  anh bạn, đang làm chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh cỡ nhỏ, tắc miệng buông một câu: “Bây giờ làm nghề bác sỹ anh nào cũng giàu cả. Đúng là chuyện lạ!”. Thế là, ngay sau đó “chuyện lạ” được cả bàn sôi nổi tham gia là chuyện ốm đau chữa bệnh, chuyện nghề thầy thuốc.

Thôi thì đủ thứ chuyện, từ chuyện khám chữa bệnh ở phòng mạch tư , chi phí cao nhưng tiện và nhanh, còn vào viện thì cũng nhiêu khê mà chưa chắc đã rẻ; chuyện bác sỹ ăn hoa hồng của hãng dược cao ngút trời; chuyện gian lận tiền của quỹ bảo hiểm y tế ở cả ta lẫn bên Aâu, bên Mỹ… đều được dẫn ra một cách rôm rả, với vô vàn dẫn chứng sinh động, từ của bản thân, người thân, bạn bè, hàng xóm cho đến cả trên báo đài… Tất nhiên trong cuộc bàn luận ngẫu hứng ấy cũng có không ít câu chuyện về các thầy thuốc giỏi chuyên môn, giàu y đức và những người thập tử nhất sinh được tận tình cứu chữa… được nhắc đến một cách trân trọng và cảm động.

Song điều mà mọi người còn phân vân là chuyện làm nghề y mà có vẻ lại giàu có nhanh chóng và dễ dàng hơn các ngành nghề khác. Bởi một lẽ, bản chất của nghề y là trị bệnh cứu người chứ đâu phải là kinh doanh làm giàu một cách đơn thuần như các ngành nghề khác. Câu châm ngôn “lương y như từ mẫu” phần nào thể hiện cái thiên chức đặc biệt của nghề y. Làm nghề y mà giàu nhanh thì cũng đồng nghĩa với việc người bệnh phải trả chi phí rất lớn. Như vậy thì y đức của người thầy thuốc, thì tính thiện lương của nghề y nằm ở đâu?

Lâu nay, rất nhiều người, trong đó có cả các nhân viên y tế, cứ nghĩ rằng, y đức chỉ là những gì to tát, là những vấn đề liên quan đến yếu tố chuyên môn sâu… mà quên rằng, y đức không ở đâu xa, đó là những việc diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại các cơ sở y tế. Đó là thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ đối với người bệnh và thân nhân họ. Đó là việc người thầy thuốc tìm cách để chữa bệnh với chi phí hợp lý nhất chứ không phải “phóng tay” kê toa để hưởng hoa hồng từ hãng dược “lại quả”. Đó là việc những người hành nghề y không nên và không bao giờ lấy nghề nghiệp của mình là mục tiêu, là phương cách để kiếm lời…

Nhiều nghiên cứu về vấn đề an sinh xã hội đã chỉ ra rằng: chi phí khám chữa bệnh quá cao, thậm chí là cao một cách phi lí so với thu nhập của dân cư, đã và đang là một trong các nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Vì thế, việc coi bệnh nhân như một đối tượng kinh doanh sẽ dẫn đến những thảm họa cho xã hội. Vì đã kinh doanh thì phải tối đa hóa lợi nhuận. Trong việc chữa bệnh thì tối đa hóa lợi nhuận sẽ thúc đẩy người bệnh, nhất là các đối tượng người bệnh nghèo, càng nhanh chóng đi đến chỗ bần cùng hóa. Thảm họa là như thế!

Thế nên, mới có lời khuyên, rằng: nếu những ai muốn làm giàu bằng con đường kinh doanh thì có hai nghề đừng nên chọn, đó là nghề chữa bệnh và nghề  dạy học. Bởi đây là hai nghề này đều có đối tượng trực tiếp là con người, một nghề dạy làm người và một nghề cứu người. Do đó, những người làm nghề nên coi là cái “nghiệp” của đời mình chứ không chỉ đơn thuần chỉ là nghề như các lĩnh vực khác chính là bởi cái thiên chức cao quí ấy!

Quả là chí lí lắm thay!

  • H.Đ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng nông thôn mới  (27/02/2011)
Không bé mọn !  (28/02/2011)
Nghĩ từ miền đất Võ  (24/02/2011)
Nỗi buồn... lễ hội  (22/02/2011)
Điệp khúc “thiếu điện”  (20/02/2011)
Minh bạch tài sản, thu nhập  (19/02/2011)
Giá Tết !?   (19/02/2011)
Đưa nhân lực thành một lợi thế  (18/02/2011)
Đi học đầu năm  (15/02/2011)
Mất nhân tính  (14/02/2011)
An toàn là trên hết !  (12/02/2011)
Văn hóa lễ hội   (12/02/2011)
Đầu năm “Nam tiến”  (10/02/2011)
Chơi Tết, quên cả luật giao thông…  (08/02/2011)
Mùa của yêu thương!  (29/01/2011)