Ngày 23.2, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tăng giá điện lên thêm 165 đồng; giá điện bình quân đạt 1.242 đồng/KWh. Sau đó một ngày, giá xăng cũng điều chỉnh tăng thêm 2.900 đồng/lít, lên mức cao nhất từ trước đến nay là 19.300 đồng. Gần như ngay lập tức, giá xăng, giá điện ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Thông thường, các mặt hàng thực phẩm thi nhau tăng giá trước Tết Nguyên đán rồi từ mùng 10 trở đi, giá cả sẽ ổn định và giảm lại. Thế nhưng, năm nay, giá thực phẩm sau Tết vẫn “giậm chân tại chỗ”. Không chỉ thế, khi giá xăng và giá điện rục rịch tăng, giá cả thị trường cũng “té nước theo mưa”.
Giá cả hàng hóa, nhất là các nhu yếu phẩm đều tăng nhanh. Giá các dịch vụ, nhất là dịch vụ vận chuyển cũng tăng hơn 15%. Hiện tượng “vỡ đê giá” ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Với ngư dân vùng biển, giá xăng dầu tăng khiến họ cân nhắc hơn mỗi khi ra khơi. Theo một ngư dân ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), nếu theo giá dầu tăng hiện nay, trung bình một chuyến ra khơi khoảng 1 tháng, ông phải chi thêm gần 40 triệu đồng.
Từ trước Tết Nguyên đán, chủ nhà trọ của tôi đã tăng giá thuê phòng trọ thêm 100 ngàn đồng/phòng. Khi nghe tin giá điện, giá xăng tăng, ông cũng quyết định tiếp tục tăng thêm 100 ngàn đồng nữa theo “xu hướng chung”. Ở các thành phố lớn, mức tăng giá thuê phòng trọ còn cao hơn nhiều. Thực tế, không ít chủ nhà trọ đồng loạt nâng giá cho thuê nhà vì thấy người khác tăng, dù xăng dầu tăng, điện tăng chẳng ảnh hưởng lớn đến chi phí của nhà trọ mà họ sở hữu.
Trước khi điện rục rịch tăng giá, hầu hết các chủ nhà trọ cũng đều đã thông báo, từ 1.3 tới đây, sẽ tăng giá điện thêm từ 500-1.000 đồng/KWh. Giá điện tăng từ đầu tháng 3 ở mức 15,28% so với năm 2010, tức chưa đến 200 đồng/KWh. Vậy nhưng, ở các khu nhà trọ, giá điện tăng gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần so với mức điều chỉnh của Nhà nước.
Cuối cùng thì người bị ảnh hưởng lớn nhất và chịu thiệt thòi nhất trước cơn bão giá hiện nay vẫn là công nhân, sinh viên, lao động có thu nhập thấp.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Giá cả tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nếu không tập trung kiềm chế lạm phát sẽ đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô và gây ra những hậu quả tiêu cực. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến quyết tâm kiểm soát bằng được tỉ giá theo quy định. Chính phủ sẽ sử dụng các nguồn lực để kiểm soát bằng được tỉ giá, dứt khoát không thả nổi tỉ giá, hay để thị trường ngoại hối chợ đen chi phối.
Không phải người dân nào cũng hiểu hết những khái niệm như “lạm phát”, “tỉ giá”, “thị trường ngoại hối”… Điều mà người dân đặc biệt quan tâm là những nỗ lực của Chính phủ trong việc bình ổn giá cả, và hiệu quả của những nỗ lực ấy là tạo sự ổn định cho thị trường, đảm bảo cuộc sống bình thường cho người dân.
|