Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến kế hoạch bí mật ghi hình, quay camera, chụp ảnh những học sinh (HS) vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi đến trường được Sở GD-ĐT Hà Nội và Công an TP Hà Nội triển khai từ 25.2. Có 5 trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội tham gia mô hình thí điểm. Hàng tuần, danh sách HS vi phạm sẽ gửi về các trường. HS vi phạm lần đầu sẽ bị đình chỉ học trong 3 ngày gửi về gia đình quản lý, hạ 1 bậc hạnh kiểm; nhiều lần tái phạm, nhà trường sẽ đình chỉ học 6 tháng và nhận mức hạnh kiểm yếu...
Việc HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương trong cả nước. Ở tỉnh ta, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng báo động về thực trạng này. Rất nhiều biện pháp đã được thực hiện, như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông, các buổi tuyên truyền giao thông cho HS… nhưng số HS vi phạm Luật Giao thông chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng tăng.
Nội thành Quy Nhơn là nơi có mật độ ngã ba, ngã tư có đặt đèn tín hiệu giao thông nhiều nhất tỉnh, cũng là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông. Mỗi lần đi làm qua ngã tư Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ, tôi lại chứng kiến cảnh HS vô tư vượt đèn đỏ. Khi phải lách xe tránh những cô cậu học trò này, không ít người không nén nổi bực tức, đã lên tiếng la mắng.
HS vi phạm Luật Giao thông, nhất là vượt đèn đỏ đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Khi vượt đèn đỏ trở thành một hành vi quá đỗi bình thường trong nhận thức của HS thì đã đến lúc, chúng ta phải suy nghĩ thật sự nghiêm túc về hiện tượng này. Phải chăng lâu nay chúng ta quá thờ ơ, quá coi nhẹ hình ảnh những cô cậu học trò mặc đồng phục mà vẫn vô tư vượt đèn đỏ?
Như trên đã nói, những người làm giáo dục ở Hà Nội đã đề ra biện pháp khá mạnh tay với mục đích đẩy lùi tình trạng HS vi phạm Luật Giao thông. Có nhiều ý kiến trái chiều quanh biện pháp này. Dư luận số đông cho rằng, việc thu thập chứng cứ để xử lý HS vi phạm Luật Giao thông là nên làm và cần làm ngay. Song vấn đề mà cộng đồng đặc biệt quan tâm là mức xử lý kỷ luật của các cơ quan chức năng và nhà trường phải đủ “liều” để răn đe những cái đầu “bốc đồng” của các cô, các cậu tuổi mới lớn.
Thiết nghĩ, không chỉ riêng Hà Nội, các địa phương khác (trong đó có tỉnh ta) nên nhanh chóng vào cuộc, thực hiện ngay những biện pháp quyết liệt để chấm dứt nạn HS “nhờn” Luật Giao thông như hiện nay.
|