Kể từ ngày 1.3, giá điện mới với mức tăng bình quân 15,28% chính thức được áp dụng. Cùng với một loạt vật tư nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế đã tăng giá mạnh, việc giá điện tăng sẽ thêm tác động làm chỉ số giá tiêu dùng thời gian tới sẽ tăng cao.
Với quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ra Nghị quyết, với các nhóm giải pháp quyết liệt như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, cắt giảm đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu…; đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường gắn với hỗ trợ hộ nghèo.
Thông điệp của Chính phủ cũng khẳng định rõ các giải pháp an sinh xã hội được đặt ở vị trí quan trọng không kém các giải pháp điều hành kinh tế trong cuộc chiến chống lạm phát.
Liên quan đến việc tăng giá điện, kể từ 1.3, hàng tháng, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện, khoản tiền này được trích từ ngân sách Nhà nước. Số tiền trên không phải là nhiều, nhưng đây là khoản hỗ trợ trực tiếp, thiết thực cho hộ nghèo, giúp họ bớt khó khăn trong cơn bão giá. Với khoảng 3,2 triệu hộ nghèo cả nước, mỗi năm, riêng về khoản hỗ trợ tiền điện, ngân sách Nhà nước chi ra khoảng 1.120 tỉ đồng cho người nghèo. Với các hộ thu nhập thấp, dùng không quá 50 số điện một tháng, khi đăng ký với ngành điện, sẽ được tính giá điện chỉ bằng 80% giá điện bình quân trong bậc thang giá đầu. Với nhóm đối tượng công nhân, sinh viên phải thuê nhà trọ, ngành điện đã tính tới phương án hỗ trợ bằng cách phát hành thẻ trả trước, ví như thẻ điện thoại, để mua điện trực tiếp từ các điện lực, tránh tình trạng chủ cho thuê trọ bán điện giá cao trái quy định…
Chủ trương, chính sách đã rõ ràng, vấn đề là triển khai thế nào cho hiệu quả. Đây là lúc phát huy tính năng động, sáng tạo và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, là lúc các ngành phải có cách triển khai chỉ đạo điều hành rốt ráo, tránh thủ tục hành chính rườm rà, đùn đẩy... Đặc biệt, phải kiên quyết không để xảy ra tình trạng chính sách hỗ trợ người nghèo bị lợi dụng, không tới được đúng đối tượng, làm giảm niềm tin của người dân vào các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hình thức hỗ trợ, tăng cường hỗ trợ trực tiếp người nghèo, người thu nhập thấp nhất là ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp tập trung. Ngoài chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà có thêm những chương trình an sinh phù hợp, hiệu quả với sự chung tay của cộng đồng, phát huy truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”… sẽ giúp người nghèo, đối tượng chịu tác động trực tiếp và nhanh nhất của lạm phát, có thêm điều kiện để vượt qua khó khăn.
Việc triển khai chính sách an sinh cần phải được kiểm soát tốt, đồng thời cũng rất cần cái tâm của người thực hiện, ở từng vị trí nhiệm vụ được xã hội phân công, để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả tích cực nhất.
|