Trong 6 nhóm giải pháp mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra, việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước là một nhóm giải pháp quan trọng. Trong cuộc làm việc với các nhà khoa học về giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô vào ngày 22.2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cụ thể: Thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi dưới 5%, các bộ ngành phải rà soát cắt giảm dự án đầu tư công báo cáo Chính phủ trong tháng 3.2011.
Trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay thì việc thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu công là biện pháp cần được lựa chọn. Chi tiêu công bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Cắt giảm chi thường xuyên là việc có thể thực hiện được ngay và tương đối dễ; nhưng cắt giảm chi đầu tư thì tương đối khó khăn bởi nó liên quan đến tăng trưởng kinh tế và những vấn đề xã hội khác như các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề thất nghiệp... Mặt khác, chi đầu tư còn ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích, những công trình đầu tư dở dang.
Còn nhớ, năm 2008, khi lạm phát đang ở mức cao, Chính phủ cũng đã phải áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên kết quả con số cắt giảm chỉ mang tính “tượng trưng”, vì cách làm hình thức và thiếu quyết liệt của cơ quan công quyền.
Bởi vậy lần này cần sự kiên quyết và dũng cảm hơn. Cũng có người lo ngại việc giảm đầu tư công sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế và gây ra tình trạng thất nghiệp. Nhưng ý kiến của nhiều chuyên gia lại cho rằng điều này sẽ không xảy ra, nếu Chính phủ mạnh dạn giao các dự án ấy cho khu vực ngoài quốc doanh, nơi mà thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn có khả năng thực hiện hiệu quả các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Nhưng việc cắt giảm đầu tư công cũng cần tránh tư tưởng bình quân chủ nghĩa. Cắt giảm đầu tư công nên được hiểu là cắt giảm những chỗ chưa thật cần, những dự án kéo dài, những dự án sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, đóng góp ít cho tăng trưởng. Còn đối với các dự án có hiệu quả kinh tế cao vẫn nên tập trung cấp vốn đầu tư để dự án sớm đi vào sử dụng. Với những dự án giải quyết vấn đề an sinh xã hội thì càng nên ưu tiên đầu tư để bảo đảm cải thiện đời sống người dân.
Chính phủ đã đi đúng hướng khi chủ trương cắt giảm đầu tư công, nhưng kết quả như thế nào còn tùy thuộc vào quyết tâm, không khoan nhượng trước áp lực và đòi hỏi của các nhóm lợi ích, nhất là những tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Thuốc đã “bốc” nhưng liệu “bệnh nhân” có dám dùng không, nhất là với những loại “thuốc đắng” như cắt giảm đầu tư công? Bởi một lẽ thường tình là: không ai chịu tự vác đá ghè chân mình!
Vì thế, cần phải có sự dũng cảm, quyết liệt trong thực thi kế hoạch này. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xem các cấp, các ngành có thực hiện nghiêm túc không, bởi nếu không việc cắt giảm rất dễ rơi vào tình trạng hình thức.
|