Chủ động thích ứng
19:53', 12/3/ 2011 (GMT+7)

Trong hai tháng đầu năm nay, giá cả trong nước đã tăng gần 3,8%. Từ cuối tháng hai và đầu tháng ba, việc tăng giá xăng dầu, điện và việc điều chỉnh tỉ giá với mức cao… đã dẫn đến tình trạng giá cả nhiều loại hàng hóa tiếp tục có chiều hướng leo thang.

Mặc dù đã dự báo được từ trước, rằng giá điện, giá xăng dầu tăng thì hệ lụy tất yếu kéo theo của nó là giá cả các loại hàng hóa và dịch vụ khác sẽ tăng theo, nhưng số đông người tiêu dùng đều cảm thấy sức ép giá cả hàng ngày đã và đang đè nặng lên cuộc sống của bản thân và gia đình. Có thể thấy rõ giá điện, xăng dầu trong những ngày qua đã tác động mạnh đến sản xuất - kinh doanh, giá đầu vào tăng đều được nhà sản xuất tính toán đưa vào giá thành sản phẩm. Một mặt bằng giá mới đang hình thành với mức độ tăng khá lớn sẽ là một áp lực lớn cho đời sống dân sinh. 

Trước tình hình đó, Chính phủ đã quyết tâm bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ cũng đã đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó có nhóm giải pháp tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương và hỗ trợ hộ nghèo... Trong đó, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là nỗ lực hết sức và bằng mọi khả năng để chăm lo cho đời sống của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực của thị trường, giá cả.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, việc ngăn chặn cơn “bão giá” là bài toán kinh tế mang tầm vĩ mô của cả nền kinh tế, liên quan đến toàn cầu chứ không phải chỉ là “chuyện riêng” của Việt Nam, nên chắc chắn không thể giải quyết ổn thỏa trong một sớm một chiều. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay từng người và mỗi nhà nên tạo cho mình một tâm thế chấp nhận và có các biện pháp tự thích ứng để sống chung với… giá tăng. Theo đó, mỗi gia đình, mỗi người phải tự điều chỉnh, tính toán lại kế hoạch chi tiêu hàng ngày cho phù hợp với khả năng, nguồn lực của mình, thậm chí phải “thắt lưng buộc bụng” nếu bắt buộc phải làm như thế.

Câu chuyện giá tăng không phải mới. Và, chuyện tiết kiệm cũng sẽ không bao giờ là không cần thiết, kể cả khi kinh tế có phần dư dả. Thế nên, trong lúc này việc chi phí cho các nhu cầu của cuộc sống, từ cái ăn, cái mặc cho đến đi lại, vui chơi giải trí…, cần thực hiện tốt phương châm tiết kiệm. Trong chi tiêu nên đình hoãn hoặc cắt giảm chi phí cho những gì chưa thật cần thiết, dành ưu tiên chi phí cho những nhu cầu thiết yếu của bản thân, gia đình để tránh cảnh… “lạm phát gia đình”… Đồng thời, cũng nên đầu tư cho những gì có khả năng sinh lợi dù nhỏ nhất để tạo thêm nguồn thu nhập phục vụ đời sống.

Hãy biết chấp nhận và chủ động thích ứng để có thể sống chung một cách tốt nhất trong bối cảnh giá cả “leo thang” như hiện nay!   

  • Hải Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chọn tương lai !   (11/03/2011)
Trả lại ý nghĩa đích thực cho lễ hội  (10/03/2011)
Hoa cho người quá cố  (08/03/2011)
Phải làm quyết liệt, dũng cảm  (06/03/2011)
Đưa chính sách vào cuộc sống  (05/03/2011)
Biến tướng !?  (04/03/2011)
Áo trắng, đèn đỏ và… camera  (03/03/2011)
Trăm dâu đổ đầu tằm…  (01/03/2011)
Nghề & Nghiệp ?  (28/02/2011)
Xây dựng nông thôn mới  (27/02/2011)
Không bé mọn !  (28/02/2011)
Nghĩ từ miền đất Võ  (24/02/2011)
Nỗi buồn... lễ hội  (22/02/2011)
Điệp khúc “thiếu điện”  (20/02/2011)
Minh bạch tài sản, thu nhập  (19/02/2011)