“Trọn lý, vẹn tình”!
22:4', 19/3/ 2011 (GMT+7)

Những ngày gần đây, liên quan đến những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, một trong những ý kiến được nhiều người đề xuất cũng như được nhiều người tán thành đó là: đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội sửa đổi lại một số điểm không còn phù hợp theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trước tình hình thực tế giá cả thị trường liên tục gia tăng và nền kinh tế có dấu hiệu lạm phát như hiện nay.

Theo các tính toán cụ thể, với thực tế như hiện nay thì mức thu nhập phải chịu thuế TNCN là 4 triệu đồng/người và mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người đã trở nên rất bất hợp lý, nhất là từ năm 2010 đến nay giá cả luôn gia tăng. Nhiều ý kiến còn đề nghị Luật Thuế TNCN cần được sửa đổi theo hướng tính thuế thu nhập theo vùng để sát hợp với điều kiện, thu nhập của người chịu thuế chứ không nên cào bằng.

Đó là chưa nói đến Luật hiện hành đang có một số kẽ hở nên không ít ý kiến cho rằng mới nắm được “người có tóc” chứ chưa nắm được “kẻ trọc đầu”, nghĩa là thuế mới chỉ thu chủ yếu vào đối tượng có thể kiểm soát được là đại bộ phận người làm công ăn lương và chi trả qua ngân hàng. Vì vậy, bên cạnh đa số người đóng thuế tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng có không ít đối tượng có thu nhập cao nhưng lại không quản lý được những khoản tiền này để tính thuế. Đây là một trong những vấn đề tồn tại cho thấy cách thức quản lý hiện nay là chưa tốt và cần phải nhanh chóng được hoàn thiện trong thời gian tới.

Có thể nói, những điểm bất cập của Luật Thuế TNCN liên quan trực tiếp đến nhu cầu cấp thiết đối với đời sống của dân, cũng như sự công bằng trong việc thực thi luật. Do đó, việc cần phải tính toán và có phương án sửa sớm cho phù hợp với thực tế đời sống của xã hội và yêu cầu quản lý là điều mà xã hội đang mong đợi.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Cúc, thành viên Hội đồng Tư vấn thuế của Nhà nước, thì trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cao hơn cũng không giải quyết được vấn đề, do đó nên nới rộng khung thuế suất, hoặc có thể giảm mức thuế suất bậc 1 từ 5% xuống 3%... để hỗ trợ cho những người đang nộp thuế, kể cả những người có mức thuế nộp hiện hành tương đối cao, có tỉ trọng tiền thuế trên thu nhập trên 25% so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặt khác, muốn sửa luật chúng ta phải thực hiện theo lộ trình, đòi hỏi phải có quỹ thời gian đủ dài, có thể lên đến vài tháng. Và trong khoảng thời gian này không thể bảo đảm giá cả thị trường, lạm phát sẽ không tiếp tục gia tăng.

Do đó, nếu chưa sửa luật ngay được thì phương án khả thi là Chính phủ nên miễn, giãn thuế cho người dân trong một thời gian nhất định như đã từng thực hiện trong năm 2009. Việc làm này sẽ là động thái kịp thời, tích cực và hiệu quả trong việc góp phần thực hiện chủ trương lớn: kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương đang chỉ đạo và tìm giải pháp thực hiện nhằm giảm áp lực do sức ép tăng giá lên cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, thuế là nghĩa vụ của mọi công dân, mỗi người đóng góp một ít sẽ góp phần nào đó để chung tay xây dựng đất nước. Càng lạm phát thì ngân sách càng cần phải tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên là những khoản chi đều lấy từ nguồn ngân sách, trong đó thuế là một trong các nguồn đóng góp chủ yếu. Trong bối cảnh khó khăn chung thì ngân sách nhà nước cũng rất cần được chia sẻ, mỗi người cần chung tay góp sức. Có như vậy mới “trọn lý, vẹn tình”!

  • Hải Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hãy hành động !  (18/03/2011)
Sĩ tử và thông tin mùa thi  (15/03/2011)
Quyền của người tiêu dùng  (13/03/2011)
Chủ động thích ứng   (12/03/2011)
Chọn tương lai !   (11/03/2011)
Trả lại ý nghĩa đích thực cho lễ hội  (10/03/2011)
Hoa cho người quá cố  (08/03/2011)
Phải làm quyết liệt, dũng cảm  (06/03/2011)
Đưa chính sách vào cuộc sống  (05/03/2011)
Biến tướng !?  (04/03/2011)
Áo trắng, đèn đỏ và… camera  (03/03/2011)
Trăm dâu đổ đầu tằm…  (01/03/2011)
Nghề & Nghiệp ?  (28/02/2011)
Xây dựng nông thôn mới  (27/02/2011)
Không bé mọn !  (28/02/2011)