Bài toán tiền lương
18:47', 20/3/ 2011 (GMT+7)

Tại buổi làm việc của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nhìn nhận các vụ tranh chấp lao động phần lớn có nguyên nhân từ tiền lương, và cho biết: Tổng liên đoàn đã kiến nghị Chính phủ tách mức lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp với lương tối thiểu của công chức, làm sao để mỗi người lao động có thể sống được bằng đồng lương tối thiểu của mình (Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 12.3).

Mẩu tin ngắn này lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người lao động, kể cả các chủ doanh nghiệp. Bởi trong mấy năm trở lại đây, lương tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp tuy đã được điều chỉnh tăng lên nhiều lần, nhưng thực tế, vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, giúp người lao động có thể tồn tại được để làm việc.

Một chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết tiền lương tối thiểu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 40%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định để làm gốc tham chiếu trả lương cho người lao động mà không dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.

Điều này kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, nhất là tình trạng thiếu nhân công và đình công ở các doanh nghiệp. Tính từ ngày Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành năm 1995 đến nay, số vụ đình công hầu hết tăng qua các năm. Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 95% cuộc đình công là do nguyên nhân chủ sử dụng lao động không đảm bảo cam kết, trả tiền lương quá thấp so với giá trị sức lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng đang áp dụng chung cho cả doanh nghiệp lẫn cả khối hành chính sự nghiệp, nên mỗi khi tính toán tăng lương thì Nhà nước lại phải nghĩ đến chuyện thâm hụt ngân sách, dẫn đến việc lương tối thiểu trong doanh nghiệp cũng tăng chậm. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến, kể cả một số chủ doanh nghiệp cũng đề nghị nên tách hai mức lương này để có thể linh hoạt hơn trong điều chỉnh.

Mức lương tối thiểu hiện còn thấp, chưa do thị trường quyết định còn là một trong những lý do để nhiều nước kiện Việt Nam bán phá giá. Một trong 6 yếu tố để Mỹ và một số nước khác xem xét và áp đặt quy chế kinh tế phi thị trường là tiền lương chưa được xác định thông qua thỏa thuận tự do giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Do bị áp đặt quy chế kinh tế phi thị trường trong các vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, cơ quan điều tra sẽ không sử dụng giá và chi phí thực tế của Việt Nam (do giá này bị coi không phù hợp) mà phải sử dụng giá tham chiếu của nước thứ ba. Hệ quả của điều khoản nền kinh tế phi thị trường là Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi gặp phải các tranh chấp thương mại liên quan đến các biện pháp đối kháng và chống bán phá giá ngày càng nhiều.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Trọn lý, vẹn tình”!  (19/03/2011)
Hãy hành động !  (18/03/2011)
Sĩ tử và thông tin mùa thi  (15/03/2011)
Quyền của người tiêu dùng  (13/03/2011)
Chủ động thích ứng   (12/03/2011)
Chọn tương lai !   (11/03/2011)
Trả lại ý nghĩa đích thực cho lễ hội  (10/03/2011)
Hoa cho người quá cố  (08/03/2011)
Phải làm quyết liệt, dũng cảm  (06/03/2011)
Đưa chính sách vào cuộc sống  (05/03/2011)
Biến tướng !?  (04/03/2011)
Áo trắng, đèn đỏ và… camera  (03/03/2011)
Trăm dâu đổ đầu tằm…  (01/03/2011)
Nghề & Nghiệp ?  (28/02/2011)
Xây dựng nông thôn mới  (27/02/2011)