Không chỉ là xin lỗi
17:56', 22/3/ 2011 (GMT+7)

Thói quen đơn giản của người có văn hóa là câu: “Cảm ơn” và “Xin lỗi”. Khi có lỗi nghiêm trọng thì xin lỗi là tất nhiên hơn, song cái sự xin lỗi này hình như quả là quá khó với người mắc lỗi.

Báo chí phát hiện và nhắc nhiều cơ quan, tổ chức những chuyện bất cập thì dường như ít thấy có lời cảm ơn và xin lỗi. Cách “đối phó” với báo chí phổ biến hiện nay là... im lặng, coi như không biết. Không thể im lặng mãi được thì công văn hồi âm bao giờ cũng thanh minh và kèm theo lời cảm ơn báo đã “đóng góp xây dựng” song tuyệt nhiên, hiếm thấy những lời xin lỗi.

Trong cuộc sống và công việc, có làm có sai, “nhân vô thập toàn” nên không ai tránh được những sai lầm. Và sai lầm của mình, dù do chủ quan hay khách quan, cũng gây nên những hậu quả làm tổn hại đến người khác dù ít hay nhiều. Vậy ai có lỗi thì xin lỗi cũng là bình thường. Thế nhưng, không ít người quan niệm xin lỗi là công nhận mình sai nên cố tình né tránh. Phải chăng những phòng xa cẩn thận với tính toán về quyền lợi cá nhân lớn hơn lòng tự trọng khiến bây giờ hiếm hoi lời xin lỗi?

Xin lỗi không hẳn chỉ là việc nhận trách nhiệm mà lời xin lỗi suy cho cùng còn là lời hứa khắc phục sửa sai với nhiều người và khẳng định cái sai tương tự không lặp lại. Trước lời xin lỗi, người khác dễ thông cảm và tin yêu hơn là vì vậy. Không ít lời xin lỗi chân thành, ngoài việc được dư luận thông cảm, còn được người nghe kính nể về thái độ cầu thị.

Công bằng mà nói, cuộc sống cũng có những lời xin lỗi, nhưng trong đó không hiếm những lời xin lỗi suông. Xin lỗi nhưng không dám nhận trách nhiệm thì chưa phải là lời xin lỗi. Ở Hàn Quốc có ông Yu Myung-hwan, Bộ trưởng Ngoại giao, khi bị cáo buộc về việc đã tuyển dụng con gái vào một vị trí được trả lương cao trong Bộ Ngoại giao đã có lời công khai xin lỗi vì làm tổn hại đến uy tín của Chính phủ và sau lời xin lỗi là xin từ chức. Cũng tại quốc gia này, cựu Tổng thống Roh Moo Hyun đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Hàn Quốc vì những nghi ngờ người gia đình ông liên quan đến một vụ tham nhũng lớn. Đó là những tấm gương mà tính tự trọng được đặt cao hơn quyền lợi cá nhân. Xin lỗi và từ chức không chỉ liên quan tới một cá nhân mà còn là tấm gương cho người kế nhiệm. Người không biết xin lỗi và nhận trách nhiệm rồi cũng có lúc nghỉ để người khác thay thế công việc nhưng sẽ tạo ra tiền lệ của sự vô trách nhiệm.

Không ai tránh được lỗi nhưng lời xin lỗi chân thành trong cuộc sống quý biết nhường nào.

  • Lê Quý
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài toán tiền lương  (20/03/2011)
“Trọn lý, vẹn tình”!  (19/03/2011)
Hãy hành động !  (18/03/2011)
Sĩ tử và thông tin mùa thi  (15/03/2011)
Quyền của người tiêu dùng  (13/03/2011)
Chủ động thích ứng   (12/03/2011)
Chọn tương lai !   (11/03/2011)
Trả lại ý nghĩa đích thực cho lễ hội  (10/03/2011)
Hoa cho người quá cố  (08/03/2011)
Phải làm quyết liệt, dũng cảm  (06/03/2011)
Đưa chính sách vào cuộc sống  (05/03/2011)
Biến tướng !?  (04/03/2011)
Áo trắng, đèn đỏ và… camera  (03/03/2011)
Trăm dâu đổ đầu tằm…  (01/03/2011)
Nghề & Nghiệp ?  (28/02/2011)