Hôm rồi, tôi có dịp dự buổi tổng kết kỳ thi học sinh giỏi của TP Quy Nhơn. Trong khi một vị lãnh đạo lên phát biểu cần phải duy trì thành tích học sinh giỏi và tăng dần số lượng qua từng năm, ngoài các môn “mũi nhọn” như Toán, Anh văn, Hóa học…, phải chú trọng đến các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý. Đến đây, vài vị hiệu trưởng ngồi bên dưới lắc đầu: Nói thì vậy, nhưng ngặt nỗi, tìm được học sinh học được và chịu học các môn xã hội không phải là chuyện đơn giản. Ngay cả khi giáo viên đến nhà vận động phụ huynh cho con em đi học bồi dưỡng, cũng nhận được những cái lắc đầu kiên quyết: “Cho con tôi đi thi tiếng Anh, Hóa học, Vật lý… thì được; chứ các môn xã hội thì thi làm gì, trường chuyên đâu còn tuyển những lớp này nữa”.
Một anh bạn làm ở phòng giáo dục một huyện nọ gật gù: Thành phố toàn đầu tư “trọng điểm” nên huyện tôi mới lấy “mũi tà” của người ta làm “mũi nhọn” ở huyện mình. Năm nào, huyện tôi cũng có em “ẵm” giải các môn Văn, Lịch sử, Địa lý; chứ mấy môn tự nhiên, Anh văn… thì khó mà địch nổi với học sinh thành phố.
Thống kê năm học 2009-2010 của Sở GD-ĐT cho thấy: Tỉ lệ học sinh học ban Khoa học tự nhiên là 14,65%, ban Cơ bản là 85,35%, không học sinh nào chọn học ban Khoa học xã hội và nhân văn. Năm học 2010-2011, tỉ lệ cũng này cũng không có gì thay đổi. Cách đây vài năm, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có tuyển học sinh chuyên về môn Lịch sử, Địa lý… nhưng những năm sau đó, học sinh không đủ lớp học nên thôi.
Một giáo viên Địa lý cho biết, rất nhiều em thích và có khiếu học môn Khoa học xã hội - nhân văn nhưng vì định hướng gia đình, vì sợ bạn bè chê “yếu”, nên hầu hết đều chọn học ban Khoa học tự nhiên. Và quan trọng hơn, học ban Khoa học tự nhiên, tương lai chọn nghề, chọn ngành sẽ “rộng cửa” hơn nhiều.
Phụ huynh, “vì tương lai con em”, “định hướng” như vậy xét cho cùng, cũng chẳng có gì sai. Chỉ có điều, chính từ sự định hướng của phụ huynh và sự lựa chọn ngành nghề của xã hội, đã hình thành nên tâm lý coi thường các môn học xã hội của học sinh. Không ít giáo viên dạy môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân phải ngậm ngùi rằng, học sinh ngày nay không chịu học bài… vì phải dành thời gian để học các môn quan trọng hơn. Giáo viên cũng khó lòng mà cho các em “điểm liệt” hoặc không đủ điều kiện lên lớp vì lẽ không muốn trường, lớp mất điểm thi đua, bản thân bị xem là năng lực “có vấn đề”… nên đành nhắm mắt cho qua.
Năm ngoái, khi Bộ GD-ĐT công bố môn Địa lý, Lịch sử đều thi tốt nghiệp, không ít trường, học sinh cuống cuồng ôn thi vì từ đầu năm cho đến lúc Bộ công bố môn thi, học sinh không chịu học những môn này. Nhưng càng buồn hơn nữa khi ngày càng ít học sinh biết đến lịch sử, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước mình.
|