Bốn cô gái: Mai, Nga, Kiều Anh (sinh viên Trường đại học Dược Hà Nội) và Hạnh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) đã làm một việc bình thường nhưng khiến dư luận từ ngỡ ngàng, đến xôn xao, rồi cảm phục.
Bốn cô gái đều là sinh viên năm thứ nhất, vừa mới rời ghế trường phổ thông, chẳng cần ai hướng dẫn, phát động, đã tự động rủ nhau đến Tháp Hòa Phong được xây bằng gạch mộc, nằm trên vỉa hè bờ đông Hồ Gươm, để xóa đi những nét chữ nhố nhăng trên đó, trả lại cho một di tích lịch sử sự tôn nghiêm vốn có.
Dư luận khâm phục bốn cô sinh viên này không hẳn chỉ ở khía cạnh trân trọng di tích lịch sử, tình yêu Hà Nội trong những trái tim mới lớn, mà quan trọng hơn, hành động tự phát của các cô đã tạo nên sự tương phản đáng giật mình. Đó là kẻ viết bậy và người xóa những dòng chữ bậy. Thật ra, những kẻ khắc, viết những dòng chữ lăng nhăng lên Tháp Hòa Phong cũng chẳng có ý phá hoại, làm bẩn di tích lịch sử ngoài sự ngu dốt muốn “lưu danh tên tuổi”. Ở rất nhiều di tích, danh lam khác cũng nhan nhản tình trạng này…
Các cô sinh viên tẩy những nét nhố nhăng trên di tích phải chăng cũng là đang tẩy đi những thói thờ ơ vô cảm, tẩy sự thiếu trách nhiệm đối với xã hội trong cuộc sống hiện nay? Hành động đó thật lớn biết bao, bởi không còn là chuyện “cứu Tháp” để trả lại sự nguyên vẹn của di tích lịch sử, mà còn hướng tới cộng đồng và tìm đến với những giá trị tốt đẹp vốn có trong truyền thống...
|