Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng quý 1 năm 2011 tăng tới 6,18% đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo của nước ta. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi đã phân tích lạm phát tăng cao do cộng hưởng của các yếu tố: lạm phát toàn cầu tăng, nhất là giá lương thực, giá vàng, giá dầu thô; hệ quả của các giải pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế thời gian qua; ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong điều kiện phải thực hiện chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện làm cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Cùng với lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, tỉ giá chưa ổn định, giá vàng tiếp tục biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân.
Những điều này đòi hỏi Chính phủ trong điều hành phải hết sức linh hoạt, đồng thời lại phải thận trọng để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội. Điều mà người dân đang trông chờ hiện nay là Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quản lý, chỉ đạo điều hành quản lý giá cả. Cần phải có các biện pháp thanh tra, kiểm tra mạnh tay thường xuyên hơn đối với các hành vi đầu cơ lũng đoạn tăng giá bất hợp lý các mặt hàng như vàng, nhà đất, lương thực thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, vật liệu xây dựng. Bởi quản lý tốt các mặt hàng này sẽ thực sự kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Vấn đề đặt ra, chúng ta ứng phó với việc tăng giá đó như thế nào, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có chiều hướng tăng cao như hiện nay và đang tác động tới từng bữa ăn của người dân. Cách đây 9 năm, ngày 26.4.2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về giá (có hiệu lực từ 1.7.2002) nhằm phát triển nền kinh tế thị trường, bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.
Pháp lệnh về giá, cùng với các văn bản khác để thực hiện pháp lệnh này được ban hành sau đó, là các công cụ quản lý nhà nước để điều hành hoạt động kinh tế theo ý chí của mình, từng bước hình thành một nền sản xuất hàng hóa có kế hoạch và định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn luôn thay đổi và giá cả những ngày qua đã biến động nhanh hơn dự kiến của các cơ quan quản lý giá. Một số cá nhân đã lợi dụng “té nước theo mưa” đẩy giá bán một số mặt hàng cao hơn giá trị thật của nó, gây mầm mống của một cơn “bão giá” mới, làm mất ổn định nền kinh tế, gây khó khăn cho đời sống xã hội.
Trong bối cảnh đó, nếu thả nổi theo “bão” sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho xã hội. Do đó, chính quyền phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn để kìm giữ giá ở mức độ xã hội chấp nhận được. Sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước để đưa nền kinh tế trở lại yên bình, phát triển một cách lành mạnh, đúng quy luật là mục tiêu chúng ta phải phấn đấu đạt được càng sớm càng tốt.
|