Giáo dục đạo đức cho học sinh luôn là công tác thường xuyên và quan trọng ở tất cả các cấp học, nhất là cấp THCS. Có một thực tế là, kết quả của công tác giáo dục đạo đức phụ thuộc rất lớn vào nhân cách người thầy; tấm gương đạo đức của người thầy sẽ tác động nhiều vào ý thức và việc học tập, rèn luyện của các em. Bởi thế, tình trạng giáo viên trong giờ dạy liên tục nghe điện thoại, hoặc giáo viên nam hút thuốc trong trường dễ để lại trong các em những ấn tượng không hay.
Với việc trang bị điện thoại di động đã trở nên dễ dàng đối với mỗi cá nhân, hầu hết giáo viên trong các trường đều đã sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, Ban giám hiệu các trường thường đưa ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, chứ chưa có quy định này đối với giáo viên đứng lớp. Một số lãnh đạo nhà trường khi được hỏi cho biết vì “lý do tế nhị” nên chưa thể cấm được. Nhưng chính lý do “tế nhị” ấy đã khiến tiếng chuông reo trong lớp học làm học sinh mất tập trung và không khí lớp học thiếu nghiêm túc hẳn.
Đối với giáo viên nam, hút thuốc trong giờ giải lao trên phòng hội đồng không còn là chuyện hiếm. Trong môi trường giáo dục, bên cạnh sự ảnh hưởng về sức khỏe bản thân và cộng đồng xung quanh vì khói thuốc, hành động này ít nhiều tạo tâm lý không tốt đối với nhiều học sinh, nhất là học sinh THCS. Một mặt, các em tham gia nhiều mít-tinh, cuộc thi tìm hiểu nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại của thuốc lá, ma túy...; mặt khác, hiển hiện trước mắt hình ảnh người thầy với điếu thuốc trên tay! Do đó, cũng không hiếm tình trạng một số học sinh cá biệt tập tành hút thuốc, trốn học hút thuốc, vừa chơi game vừa hút thuốc, bởi chỉ vì “tập làm người lớn”.
Như đã nói ở trên, một trong các yếu tố góp phần hết sức quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh là cảnh quan sư phạm. Giáo dục trong nhà trường luôn giữ vai trò chủ đạo vì nó định hướng cho toàn bộ quá trình giáo dục hình thành nhân cách của học sinh. Xây dựng một môi trường giáo dục học đường “không có khói thuốc và chuông điện thoại di động” là cần thiết, không chỉ ở đối tượng học sinh mà còn đối với người thầy- những người nắm giữ cán cân, mực thước giáo dục kiến thức và đạo đức cho học sinh.
|