Từ ngày 1.5 tới, lương tối thiểu chung sẽ tăng thêm 100.000 đồng, từ mức 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng. Mức lương này được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động nói chung trong các cơ quan, đơn vị. Đợt tăng lương này nằm trong lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ, đã được tính toán cẩn trọng, không phải là giải pháp tình thế trong bối cảnh giá cả leo thang hiện nay.
Trong thời điểm hiện tại, đây là một nỗ lực của Chính phủ. Thế nhưng, với nhiều người lao động, việc nhận thêm lương lúc này chưa khỏa lấp được nỗi âu lo. Lương tăng không theo kịp giá là câu chuyện dài và cái vòng xoáy lương tăng- giá tăng - lương tăng… đã ăn vào tiềm thức của người dân. Tăng lương sẽ ít nhiều dẫn đến kích cầu tiêu dùng, gián tiếp làm giá cả biến động và là nhân tố tạo ra tác động tâm lý. Do đó, thoát khỏi cái vòng lương tăng - giá tăng… là không đơn giản. Nhưng nếu như các cơ quan có trách nhiệm có biện pháp hữu hiệu kiểm soát chặt chẽ thị trường, chắc chắn sẽ làm dịu những phản ứng tăng giá tức thì khi điều chỉnh lương sẽ phần nào hạn chế tác động “ăn theo”.
Tuy nhiên, giải pháp nêu trên ở một khía cạnh nào đó cũng chỉ là tình thế. Vấn đề cốt lõi phải bắt đầu từ việc coi cải cách tiền lương là một đòi hỏi tất yếu, bình thường trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội.
Lương tăng nhưng giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh hơn, khiến thu nhập thực tế của người lao động ở mức độ nào đó chỉ tăng trên danh nghĩa. Do vậy, cần một lộ trình cụ thể giải quyết từ gốc vấn đề. Và điều này phải bắt đầu từ giải pháp mang tính căn cơ, đó là tiến hành đồng bộ các chính sách tổng thể về bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời với cải cách tiền lương… để đảm bảo thực chất về đời sống của người ăn lương trong việc thực hiện tăng lương.
|