Bộ phim truyền hình nhiều tập “Đế quốc đại Tần” (Trung Quốc) vừa khép lại trên một trong các kênh của Truyền hình cáp Quy Nhơn. Phim hấp dẫn người xem không chỉ ở những cảnh quay hoành tráng, tài diễn xuất điêu luyện của các diễn viên mà còn ở những triết lý nhân sinh sâu sắc, mang hơi thở thời đại.
Vào cuối thời Chiến quốc, vùng đất Hoa Hạ rộng lớn rơi vào cảnh bách gia tranh bá, chiến tranh nổ ra liên miên. Nước Tần, một nước chư hầu nhỏ bé ở phía Tây Trung Quốc, đã nhiều năm bị chèn ép và đang có nguy cơ mất nước. Tần Hiếu Công, vị vua trẻ mới lên ngôi quyết định chiêu nạp nhân tài và lịch sử nước Tần đã thay đổi khi thiên tài chính trị Thương Ưởng (Vệ Ưởng) xuất hiện.
Với kinh nghiệm và sự tin tưởng tuyệt đối vào triết lí Pháp gia, Thương Ưởng cùng Tần Hiếu Công phát động cuộc cải cách bão táp kéo dài hơn 20 năm; ông là người đặt nền móng cho chủ trương Pháp trị mở mang kinh tế, thưởng phạt công minh và nghiêm khắc. Kẻ nào làm trái pháp luật, không kể quan đại phu, con vua đều một mực trừng trị. Bấy giờ, trong nước không có trộm cướp; người dân an tâm làm ăn lương thiện, không ai dám tranh lạm tư lợi. Nước Tần trong một thời gian ngắn trở nên giàu mạnh hơn các nước khác.
Ngày nay, chúng ta thường được nghe nói: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu ai vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau. Nhưng thực tế một số trường hợp không hẳn là vậy; tính bình đẳng của công dân trước pháp luật không chỉ bị ảnh hưởng bởi quyền lực, bởi đồng tiền mà còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tình thân. Người có ý thức đạo đức và pháp luật kém thường làm mọi cách để bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của người thân mình, thậm chí là người thân của bạn bè, bà con mình.
Điều này có nguyên nhân xã hội của nó. Dễ thấy nhất là cái quán tính trọng tình hơn lý vốn có sức trì kéo triền miên trong suốt chiều dài lịch sử. Thậm chí ngay tại công đường mà quan tòa còn quen lối ứng xử “đã đưa đến trước cửa công, ngoài thì là lý nhưng trong là tình”.
Lối ứng xử ấy đối lập hoàn toàn với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, một thuộc tính của xã hội hiện đại. Điều đó càng là một thách thức gay gắt khi đất nước đang tiến sâu vào tiến trình hội nhập quốc tế mà tinh thần “thượng tôn pháp luật” là điểm tựa, là nền tảng của việc thực hiện những cam kết quốc tế.
Vì thế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật vừa là đòi hỏi bức xúc của cuộc sống vừa là sự đáp ứng yêu cầu gay gắt của hội nhập.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng một nền tư pháp có chất lượng, trong sạch và hiệu quả cũng như cải cách nền hành chính quốc gia khi mà đất nước đã là thành viên của những tổ chức quốc tế đều phải tuân theo những tiêu chuẩn của tổ chức đó. Vả chăng, hoàn thiện về pháp luật cũng như cải cách về hành chính là điều kiện thiết yếu để chúng ta tối đa hóa các lợi ích của quá trình hội nhập và cũng là công cụ để thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của nước ta.
|