Những ngày gần đây, dư luận báo chí trong nước đã lên tiếng khá nhiều để bày tỏ sự chê trách về chất lượng nghệ thuật và nội dung của các bộ phim truyền hình đang được trình chiếu hàng ngày vào “giờ vàng” của một số kênh truyền hình thuộc vào hàng “tên tuổi” như VTV, HTV. Trong đó, dư luận tập trung phê phán các bộ phim “Anh chàng vượt thời gian”, “Xin thề anh nói thật” của VTV, “Nợ đa tình” của HTV… Đây là những bộ phim truyền hình dài nhiều tập có một điểm chung được gọi là… “phim 3D” - dài, dai và dở (!). Thế nên càng chiếu càng khiến người xem ngán ngẩm vì sự… quá tệ của nó.
Không chán ngán sao được với sự yếu kém đến mức “kinh dị” cả về chất lượng và nội dung của phim “Anh chàng vượt thời gian” chiếu vào giờ vàng trên VTV. Và rồi người ta mới “té ngửa” khi nguyên nhân của sự kém cỏi về chất lượng phim cũng “kinh dị” không kém. Đó là khâu kiểm duyệt chưa chặt chẽ và kịch bản, đạo diễn còn bị lệ thuộc, chi phối bởi hợp đồng phát sóng - quảng cáo của phim. Vì vậy, đã dẫn tới rất nhiều tình tiết gây phản cảm như quảng cáo lộ liễu một sản phẩm trà đang lưu hành trên thị trường khi mô tả cặn kẽ các loại thảo mộc có trong loại trà này… Hay như phim “Nợ đa tình” đang chiếu trên kênh HTV, sau vài tập đầu gây chú ý với sự hài hước của một danh hài sân khấu thì tiếp đó là một chuỗi dài các tình tiết gây cười tẻ nhạt và lãng nhách khi chỉ quanh quẩn chuyện đối phó lãng nhách của 1 ông chồng tào lao với 2 bà vợ kéo dài lê thê…
Khán giả màn ảnh nhỏ cả nước đã từng kỳ vọng vào sự trỗi dậy của phim truyền hình trong nước sau những bộ phim ấn tượng như “Bí thư Tỉnh ủy”, “Ma làng”, “Chạy án”… Tưởng đó sẽ là động lực có tác động mạnh mẽ để có thêm nhiều hơn các “phim Việt giờ vàng” hay hơn, thu hút khán giả hơn thì thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại. Dư luận đã thất vọng và bày tỏ sự bức xúc với cách làm ăn quá ư giản đơn, thậm chí chụp giật, thương mại hóa của các nhà đài mà thiếu sự quan tâm đến chất lượng phim. Dư luận càng không thể đồng tình với kiểu làm “mượn đầu heo nấu cháo” với các bộ phim đầy “sạn” xuất hiện trên sóng truyền hình.
Vẫn biết việc xã hội hóa nhằm huy động nhiều nguồn lực tham gia làm phim truyền hình phục vụ cho đông đảo công chúng là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, không thể vì lợi nhuận đơn thuần để dẫn đến việc phim truyền hình bị thương mại hóa quá mức. Vì rằng, dù gì thì các đài truyền hình trên cũng là của quốc gia, có nhiệm vụ phục vụ tốt nhất nhu cầu tinh thần chính đáng của bộ phận rất lớn người dân cả nước, đồng thời có nhiệm vụ định hướng và nâng cao nhận thức, trình độ thẩm mỹ cho người dân, tác động và hướng họ đến các giá trị tư tưởng cao đẹp của chân, thiện, mỹ.
“Ôi, phim Việt giờ vàng !?”. Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần can thiệp để người xem truyền hình không phải thốt lên câu cảm thán này.
|