Không thể chấp nhận !
21:3', 23/4/ 2011 (GMT+7)

Lâu nay, chuyện các tập đoàn, công ty quản lý sử dụng vốn của nhà nước hiệu quả thấp đã là vấn đề được quan tâm và tìm cách tháo gỡ để nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế trọng yếu này.

Tuy nhiên, không chỉ có sử dụng vốn hiệu quả thấp, ở không ít đơn vị còn để xảy ra chuyện thất thoát một khối lượng tài sản rất lớn. Có thể kể ra sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), doanh nghiệp thành viên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, vừa được phát giác là một ví dụ điển hình. Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2009 ALC II đã thua lỗ 3.000 tỉ đồng và còn có khả năng thua lỗ tiềm ẩn với khoản tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá gần 4.600 tỉ đồng.

Những thông tin do Kiểm toán Nhà nước đưa ra cho thấy lãnh đạo công ty này đã vi phạm các quy định về quản lý kinh doanh vốn nhà nước, làm thất thoát vốn nhà nước một cách quá dễ dàng. Chẳng hạn, chỉ riêng việc tiếp tục cho nhiều khách hàng thuê thêm tài sản khi họ đã không trả được nợ gốc và lãi; mua và cho thuê một số tàu biển sử dụng chưa được bao lâu đã phải sửa chữa, nâng cấp với chi phí trên 100 tỉ đồng... Thậm chí, đầu tư tài sản cho thuê nhưng ALC II lại không xác định cơ sở định giá tài sản hoặc có dấu hiệu không bình thường trong việc xác định giá tài sản đầu tư, như vụ mua xe cẩu thủy lực 250 tấn của một công ty với giá 65 tỉ đồng trong khi 7 ngày trước đó, công ty này mua lại của một công ty khác với giá chỉ gần 32 tỉ đồng. ALC II cũng ký hợp đồng mua 5 tàu biển cho khách hàng thuê với tổng trị giá 633 tỉ đồng nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa có tài sản; thậm chí mua tài sản không thuộc sở hữu của bên bán...

Những sự vi phạm quy định một cách quá dễ dàng và kéo dài nhiều năm đến khi bị kiểm toán phát hiện cho thấy hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước này đã bị tê liệt, chính xác là đã bị vô hiệu hóa. Ở đây, có thể ví tài sản nhà nước giống như một hũ gạo nếp rất thơm ngon nhưng không được bảo vệ cẩn thận, trái lại còn bị phó mặc cho… “chuột bọ” vô tư đục khoét (!).

Việc để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát lớn tài sản của nhân dân hết vụ này đến vụ khác là điều không thể chấp nhận và không thể để tiếp tục kéo dài. Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần phải có các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng, quản lý kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh việc bổ sung các quy định, tăng cường bộ máy giám sát thì điều quan trọng hơn là phải xác định rõ ràng người chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cuối cùng về những tài sản ấy và phải có cơ chế thưởng phạt phân minh. Đó là điều thực sự cấp bách để tài sản của nhân dân không tiếp tục “đội nón ra đi” !

  • Hải Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phim Việt giờ vàng !?   (23/04/2011)
Cơ chế cho Quy Nhơn  (21/04/2011)
Tăng viện phí, phải tăng chính sách hỗ trợ bệnh nhân nghèo  (19/04/2011)
LUẬT BẤT VỊ THÂN  (17/04/2011)
Phát triển nông thôn bền vững  (16/04/2011)
2 trường hợp đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ  (15/04/2011)
Cần phải căn cơ !  (16/04/2011)
Từ sự gương mẫu của người thầy  (14/04/2011)
Mạnh tay !  (09/04/2011)
Cảnh giác với tin đồn !  (08/04/2011)
Tạm ứng lòng tin  (07/04/2011)
Bao giờ mới sạch?  (05/04/2011)
Tiết kiệm điện  (03/04/2011)
Khoan sức dân  (02/04/2011)
Trợ cấp và thụ hưởng   (01/04/2011)