Công bằng cho người sáng tạo
19:55', 24/4/ 2011 (GMT+7)

Ngày 26.4, là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Với chủ đề “Thiết kế tương lai”, thông điệp của Tổng giám đốc tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nêu rõ: Đằng sau mọi kiểu dáng mới là một khát khao để tạo ra sự đột phá, cải thiện và nâng cao những trải nghiệm của người tiêu dùng…

Ngày này cũng nhắc nhở chúng ta về những vấn đề rất lớn liên quan đến sự phát triển của cả một quốc gia. Thực tế cho thấy trong những năm qua quyền sở hữu trí tuệ tuy đã được coi trọng hơn, nhưng đáng tiếc việc vi phạm vẫn còn rất phổ biến. Đụng vào đâu và ở lĩnh vực nào liên quan đến sáng tạo và về mẫu mã, kiểu dáng, người ta cũng có thể thấy sự sao chép và lợi dụng những thương hiệu có sẵn một cách trắng trợn. Trên thị trường hiện nay không hiếm những sản phẩm có nhãn mác giống y hệt nhưng chỉ thay đổi vài chi tiết nhỏ vẫn được bày bán công khai, bất chấp sự an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ có ở hàng hóa thông thường. Thời gian gần đây, giới văn học nghệ thuật cũng rộ lên chuyện vi phạm bản quyền. Nào là việc các bài hát in thiếu hoặc sai tên tác giả. Nào là việc những tác phẩm văn học liên tiếp bị các nhà xuất bản in ấn tùy tiện trong nhiều tuyển tập. Nào là việc đăng tùm lum các bức ảnh nghệ thuật trên báo chí không có tên tác giả... Và dĩ nhiên kèm theo đó là những thiệt hại về mặt vật chất mà lẽ ra chủ thể sáng tạo ra các tác phẩm đó phải được thụ hưởng.

Nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ đã và đang gây tranh cãi không dứt, qua đó cho thấy dường như sở hữu trí tuệ vẫn còn là một thứ xa xỉ với nhiều người và là một thứ mới mẻ với các cơ quan chức năng. Cách đây chưa lâu một quan chức của Cục Sở hữu trí tuệ đã phải cay đắng thừa nhận, hiện nay tình trạng làm hàng giả phổ biến đến mức trên thị trường có mặt hàng gì bán chạy là lập tức có hàng giả. Mỗi năm có tới không dưới 3.000 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ bị xử lý hành chính và hơn 100 vụ phạm pháp hình sự.

Việc vi phạm sở hữu trí tuệ có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân cụ thể được đưa ra là chúng ta chưa có được một khung hình phạt đủ mạnh. Vài triệu cho đến vài chục triệu đồng tiền phạt cho mỗi hành vi vi phạm không đáng là bao so với mức lợi nhuận mà các cơ sở sản xuất hàng nhái có được.

Vì vậy, cần có ngay một cách làm giảm thiểu tình trạng này, như kinh nghiệm của nhiều nước, là phạt những kẻ vi phạm gấp hàng trăm lần lợi nhuận mà họ có được từ vi phạm. Có vậy, những sản phẩm tốt, những thương hiệu mạnh mới được coi trọng và được trả lại giá trị đích thực của mình trên thị trường. Đừng để kéo dài hơn nữa một cuộc cạnh tranh không lành mạnh mà ở đó, trước hết và sau cùng, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại.

Đó thực sự là mong muốn của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, của người tiêu dùng và toàn xã hội. Và điều đó đòi hỏi một hệ thống các quy phạm pháp luật hoàn chỉnh; một cơ chế chính sách đồng bộ, nhất quán; một bộ máy thực thi có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của hoạt động sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế thị trường.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không thể chấp nhận !  (23/04/2011)
Phim Việt giờ vàng !?   (23/04/2011)
Cơ chế cho Quy Nhơn  (21/04/2011)
Tăng viện phí, phải tăng chính sách hỗ trợ bệnh nhân nghèo  (19/04/2011)
LUẬT BẤT VỊ THÂN  (17/04/2011)
Phát triển nông thôn bền vững  (16/04/2011)
2 trường hợp đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ  (15/04/2011)
Cần phải căn cơ !  (16/04/2011)
Từ sự gương mẫu của người thầy  (14/04/2011)
Mạnh tay !  (09/04/2011)
Cảnh giác với tin đồn !  (08/04/2011)
Tạm ứng lòng tin  (07/04/2011)
Bao giờ mới sạch?  (05/04/2011)
Tiết kiệm điện  (03/04/2011)
Khoan sức dân  (02/04/2011)