“Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi bà nội trợ hãy là một người tiêu dùng thông thái!”. Khẩu hiệu này nghe thật hợp lý mỗi khi nhà quản lý “bó tay” trước tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thế nhưng, để trở thành “người tiêu dùng thông thái” trong thời buổi này thật quá khó!
Hiện nay, tình trạng gian dối trong mua bán ngày càng tinh vi hơn, khiến khó có người tiêu dùng nào đủ khả năng phòng tránh được tất cả. Mua thịt cá thì không rõ có bị ướp hóa chất, có dư lượng kháng sinh, có chất tăng trọng hay không? Mua thịt bò thì có khi còn “hớ to” vì được chế biến từ thịt heo. Mua rau thì gần như nhắm mắt đưa chân bởi khó tránh khỏi có dư lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học. Rồi những trái cây bên ngoài tươi ngon nhưng bên trong phình thối vẫn được bày bán; con cá tươi rói nhờ ủ urê; giò chả, bánh phở cũng ngâm phoóc môn, hàn the… Thời gian gần đây, hàng loạt cảnh báo từ thực phẩm nhiễm độc có thể gây ung thư. Nhiều loại thực phẩm lâu nay được bà con “yên vị” ăn thì nay cũng bị khui ra là sử dụng hóa chất, bị “phù phép” theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”…
Trong ma trận như vậy người tiêu dùng có thông thái nổi không? Người “kiến thức đầy mình”, nói chuyện VSATTP cũng lắc đầu, lè lưỡi, nói gì đến nông dân chân lấm tay bùn, ít có thông tin.
Có quá nhiều ý kiến, kiến nghị, thậm chí là tranh luận nảy lửa về chuyện quản lý miếng ăn cho người dân trên các diễn đàn công khai hoặc không công khai. Vậy mà, thực phẩm không sạch, không nguồn gốc, nhiễm chất có thể gây ung thư… vẫn tràn lan ngoài thị trường. Nhiều cấp ngành cho rằng, mô hình “từ nông trại đến bàn ăn” (tức là phải đảm bảo từ khâu nuôi trồng, thu hoạch đến chế biến, lưu thông và tiêu dùng) được cho là cứu cánh, đem miếng ăn sạch đến cho dân trong thời buổi ngộ độc xảy ra nhiều. Nhưng thử hình dung có bao nhiêu loại thực phẩm đã được quản lý theo “chuỗi” như vậy? Trái cây, rau củ ngoại nhập ngậm hóa chất, thịt đông lạnh nhập khẩu nhiễm khuẩn vẫn đến các cửa hàng và được bán như thực phẩm sạch…
Nói đến chuyện “người tiêu dùng thông thái”, các bà nội trợ có một so sánh “vui” mà “cay” thế này: các tour du lịch lữ hành thường lập lờ các nội dung tham quan, chất lượng khách sạn, xe cộ; đi taxi thì không chỉ lo đồng hồ phi mã mà còn sợ mất đồ nếu lỡ quên; đi xe khách, nhất là vào dịp lễ Tết, không chỉ bị nhồi nhét, thu thêm tiền mà còn lo bị bỏ rơi dọc đường, bị bán sang xe khác… thôi thì giá cả ngày càng tăng, đời sống ngày càng chật vật, biết dịch vụ “dỏm” thế này thì lâu lâu mới “sờ” đến; mà có “sờ” đến cũng phải chọn lựa thật kỹ; chứ còn miếng ăn chẳng lẽ bảo chồng-con đợi đến khi mua được thực phẩm an toàn!
Vậy nên, để làm “người tiêu dùng thông thái” đối với miếng ăn xem ra cực khó!
|