Có thể thấy rằng, ở nhiều nước trên thế giới, khi có vấn đề gì không hay xảy ra, dù lớn hay nhỏ, câu nói đầu tiên của người trong cuộc luôn là: “Xin lỗi, tôi...” hoặc “Xin lỗi, chúng tôi...” và tiếp theo sẽ là những hành động cụ thể để giải quyết, khắc phục. Lời xin lỗi được nói ra với tư cách cá nhân- cá nhân hoặc giữa người đứng đầu một ngành, một lĩnh vực với nhân dân... Đôi khi, chỉ là lời hỏi thăm đường, hỏi thăm nhà, câu đầu tiên vẫn là “cám ơn!”,”xin lỗi!”. Điều này, thật không khách sáo vì ít nhiều người được xin lỗi cũng đã bị làm phiền, mất thời gian.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi thấy việc sử dụng từ “xin lỗi”, “cám ơn” còn hạn chế; khi mà trong xã hội có rất nhiều sự kiện, vấn đề, nhiều tình huống rất cần đến lời xin lỗi nhưng chờ hoài, chờ mãi vẫn không thấy. Dư luận lên tiếng, báo chí cũng lên tiếng nhưng rồi người trong cuộc vẫn cứ “im hơi, lặng tiếng”.
Phần đông người Việt vẫn cho rằng, khi đã lên tiếng xin lỗi hoặc đơn giản chỉ là nói lên 2 từ “xin lỗi” tức là mình đã có lỗi và thiệt hại, thua thiệt thuộc về mình. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng vì trong một xã hội hiện đại, những lời “cảm ơn”, “xin lỗi” sẽ không bao giờ thừa, đôi khi còn mang lại những lợi ích vô hình.
Rất nhiều người nước ngoài khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam đều có nhận xét người Việt vẫn còn thiếu những câu “cảm ơn!”, “xin lỗi!”. Vậy nên, khi có chuyện xảy ra, người ta quen giải quyết với nhau bằng nắm đấm hoặc mời luật sư để kiện tụng nhau cho “ra ngô, ra khoai” chứ nhất định không thể xin lỗi và tha thứ cho nhau.
Khổng Tử đã từng nói: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao”. Vậy thì, mỗi chúng ta hãy nói nhiều lời xin lỗi và cảm ơn chân thành để có thêm nhiều người quý mến; và đó mới chính là “kỹ năng sống” của một con người hiện đại trong một xã hội hiện đại.
|