1.
Những ngày này, tại các địa phương trong cả nước đang diễn ra các cuộc tiếp xúc và vận động bầu cử giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp với cử tri. Tại các cuộc tiếp xúc, những người ứng cử báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND. Các cuộc gặp gỡ này cũng chính là cơ hội để những người ứng cử cùng cử tri trao đổi những vấn đề cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ mình hơn; trên cơ sở đó cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu.
Chương trình hành động thường biểu thị đầy đủ thông tin về bản thân và nguyện vọng tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND của ứng cử viên đó. Đây cũng là cơ sở, tiêu chí giúp cử tri nhận biết, đánh giá, lựa chọn ứng cử viên trước khi bỏ phiếu; đồng thời cũng là cơ sở để cử tri giám sát, đánh giá hoạt động của đại biểu sau này.
Dự kiến chương trình hành động, nói cách khác, chính là lời hứa của ứng cử viên với cử tri sau khi trúng cử; và cũng là công cụ hữu hiệu nhất để các ứng cử viên vận động bầu cử cho mình một cách trực tiếp, công khai, đúng luật.
2.
Thực tế qua những đợt tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử ở các cuộc bầu cử trước cho thấy, nhiều người ứng cử hứa với dân và đã thực hiện đúng lời hứa của mình. Khi là đại biểu Quốc hội hoặc HĐND, họ đã nói tiếng nói của người dân tại các diễn đàn Quốc hội, các kỳ họp HĐND. Họ tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; tham gia xây dựng pháp luật; thực hiện công tác giám sát với tinh thần trách nhiệm cao. Họ giữ mối quan hệ gắn bó và thường xuyên với cử tri, thể hiện qua việc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri, đồng thời nghiên cứu, phản ánh, đề xuất ý kiến của cử tri với cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người ứng cử mà sau này, khi đã là đại biểu của dân, đã không thực hiện những gì mình đã hứa khi vận động bầu cử. Điều này có hai nguyên nhân, hoặc vị đại biểu đó đã quên mất những điều mình hứa; hoặc vị đại biểu đó đã hứa những điều vượt quá khả năng của mình. Cho dù vì lý do nào thì cũng khó mà chấp nhận được.
3. Ấy vậy nhưng mặt khác, không phải người ứng cử nào hứa hay cũng đều tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri. Phần đông cử tri, tuy trình độ, nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng giống nhau ở khả năng nhận những lời hứa hão, những cam kết thiếu nghiêm túc. Niềm tin của cử tri xây dựng trên cơ sở là nội dung dự kiến chương trình hành động, là thái độ, cách xử sự của ứng cử viên tại buổi tiếp xúc. Cử tri sẽ biết đâu là người sẽ làm những gì mình nói, và đâu là người chỉ nói không mà thôi. Một cử tri lớn tuổi kể rằng, trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp cách đây nhiều năm, ông và nhiều người đã tiếp xúc với hai ứng cử viên khác nhau. Một người nói rất nhiều và hứa cũng rất nhiều, rằng sau này trúng cử thì sẽ làm thế nào, thế nọ cho dân. Một người thì nói rằng, nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND, ông sẽ cố hết sức để hoàn thành trách nhiệm người đại biểu của dân và làm tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao; tuy nhiên, nếu không trúng cử thì ông vẫn làm hết sức mình như thế, không có gì thay đổi. Và cuối cùng, khi người thứ hai trúng cử, cử tri đơn vị bầu cử ấy không ai bất ngờ về kết quả đó.
Lời hứa được biểu thị đơn giản đầu tiên bằng câu nói. Nhưng sau đó phải là hành động. Dĩ nhiên, làm bao giờ cũng khó hơn. Nhưng một lần bất tín thì vạn sự bất tin, lẽ đời là vậy, và những người tự trọng, có tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân là những người luôn nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói.
|