Từ tháng 5 này, những người làm việc hưởng lương từ ngân sách sẽ được nhận mức lương cơ bản tối thiểu 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng so với tháng trước. Các đối tượng hưởng trợ cấp từ ngân sách cũng được tăng thêm 13,5%. Trong thời buổi giá cả hàng hóa đang biến động dữ dội như bây giờ thì có thu nhập thêm đồng nào quý đồng đó.
Tuy nhiên, mặc dù mỗi tháng thêm hàng trăm ngàn đồng tiền lương nhưng những người thụ hưởng vẫn không vợi bớt được nỗi lo cho cuộc sống hàng ngày. Bởi trước khi tăng lương, giá cả mọi thứ hàng hóa đều đã tăng vịn cớ xăng dầu, điện tăng giá để ăn theo. Từ lúc có thông tin tăng lương chính thức thì giá cả lại tiếp tục tăng mạnh hơn. Bằng chứng là chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây.
Số liệu thống kê từ năm 1993 đến nay cho thấy, trải qua rất nhiều lần tăng lương nhưng chưa lúc nào lương bảo đảm cuộc sống cả. Với mức lương bình quân từ 2 triệu đến 3 triệu đồng trong một tháng, những người hưởng lương đều phải tính toán chi li mới có thể gánh hết các khoản chi phí thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày và hầu như không thể tích lũy dự phòng khi ốm đau, bệnh tật. Tiền lương ít, không đủ chi tiêu là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả làm việc thấp. Nỗi lo thường trực về “cơm, áo, gạo, tiền...” đè nặng lên tâm lý khiến không ít công chức trong bộ máy nhà nước khó có thể toàn tâm, toàn ý cho việc công. Chuyện công chức phải đi làm thêm ngoài giờ để bù đắp cho kinh tế gia đình vượt qua lúc khó khăn cũng không phải là hiếm. Bên cạnh việc lao động chính đáng, có một bộ phận công chức tha hóa về mặt đạo đức, đã “cải thiện thu nhập” bằng các hành vi phạm pháp như: nhận hối lộ, tham ô tài sản của Nhà nước và nhân dân...
Trong Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012, Chính phủ cũng yêu cầu phải nhanh chóng tiến hành sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, để lộ trình cải cách chế độ tiền lương đúng theo định kỳ và có hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống của những người ăn lương. Có như vậy, chúng ta sẽ tránh tình trạng quá nhiều người cùng chia nhau “miếng bánh” ngân sách ít ỏi dẫn đến tiền lương và hiệu quả công việc đều thấp. Có như vậy, đồng lương mới thực sự được trả đúng, trả đủ, phù hợp với mặt bằng giá cả, đảm bảo đời sống cho người lao động và là công cụ hữu hiệu để khuyến khích người ta làm việc hết mình, tận tâm cống hiến... Đồng thời, việc tăng lương phải gắn với việc bình ổn giá cả thị trường nhằm tránh cái vòng luẩn quẩn “lương tăng một, giá tăng hai” như lâu nay.
|