Thời gian gần đây, đã không ít lần người dân nháo nhào, chen chúc nhau đi mua xăng dầu vì nghe tin đồn sắp có đợt tăng giá. Hiện tượng đó ít nhiều chứng tỏ, truyền thông chính thức chưa tạo được niềm tin cho dân. Có thể nói, sự cả tin đó có căn nguyên từ cách điều hành bất nhất, thiếu đồng bộ trong việc quản lý điều hành thị trường “nhạy cảm” này trong một thời gian dài. Chính sự bất nhất, thiếu đồng bộ đó cùng với lạm phát đang gây ra cơn bão giá, góp phần hình thành mảnh đất màu mỡ cho các loại tin đồn nảy nở, hoành hành.
Còn nhớ, ngày 25.4.2006, một quan chức của Bộ Thương mại tuyên bố chắc nịch với báo giới: “chưa tăng giá xăng”. Hai hôm sau, Bộ này có quyết định tăng giá xăng thêm 1.500 đồng/lít. Ngày 7.8.2006, cũng quan chức ấy nói: “chưa tăng giá xăng”, rồi cũng hai ngày sau, Bộ này lại quyết định tăng giá xăng thêm 1.000 đồng/lít, lên mức 12.000 đồng/lít. Từ ngày 18 đến ngày 22.2.2011, Bộ Công Thương liên tục chỉ đạo bình ổn thị trường xăng dầu. Thế nhưng, ngày 24.2.2011, có quyết định tăng giá xăng từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít được ban hành. Tối ngày 29.3.2011, giá xăng dầu thêm một lần nữa tăng từ 10,3% đến 15,3%. Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiếp tục than lỗ, khẩn thiết yêu cầu cho đơn vị này một “cơ chế đặc biệt”.
Chính cách làm “tiền hậu bất nhất” đó của cơ quan chức năng đã bị kẻ xấu lợi dụng trục lợi. Trên thị trường xăng dầu xuất hiện tình trạng nhiều đại lý, cây xăng trên cả nước bán nhỏ giọt, hoặc ngừng bán, găm hàng chờ tăng giá. Lý do mà các chủ đại lý, cây xăng đưa ra là rất “trời ơi”, như cúp điện, hết xăng… Và, có người thì “huỵch toẹt”: xăng dầu không thiếu, muốn mua bao nhiêu cũng được, nhưng phải chấp nhận điều kiện “giá sẽ tính theo mức giá 15 - 30 ngày tới”, dù chẳng ai biết, 15-30 ngày tới, giá xăng dầu sẽ tăng giảm thế nào… Một khi những tin đồn tăng giá xăng dầu lan nhanh, người tiêu dùng lại “lãnh đủ”. Đặc biệt, đối với các đối tượng thường cần lượng dầu lớn như ngư dân, người trồng cà phê… thì chỉ biết kêu trời khi không mua được dầu chỉ vì đại lý chưa… thích bán!
Để chấn chỉnh tình trạng này, trước mắt, chi cục quản lý thị trường và lực lượng công an các địa phương phải kiểm tra nghiêm túc và xử lý triệt để các cây xăng, đại lý vi phạm. Về lâu dài, nhà chức trách cần khẳng định và tuyên bố rõ ràng một lộ trình tăng giá xăng dầu theo xu hướng cập nhật thị trường và thực hiện nghiêm túc lộ trình đó. Hơn nữa, công tác truyền thông cần chú ý cung cấp thông tin đầy đủ, khoa học, chính xác chính sách giá xăng dầu, đảm bảo giá cả thị trường cạnh tranh, công bằng, tiến tới xóa bỏ mô hình bao cấp giá, cơ chế ưu đãi đặc biệt, “xin - cho”.
|