Theo số liệu thống kê, năm 2010 trên toàn quốc đã xảy ra 5.125 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 5.307 người bị nạn; có 554 vụ gây chết người và có tổng cộng 601 người chết. Đấy là chưa kể những vụ tai nạn chưa được thống kê đầy đủ.
Thực tế cho thấy, an toàn lao động đã không nhận được sự quan tâm đích đáng của các chủ doanh nghiệp (DN). Không ít DN thường cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có việc giảm chi phí trang bị bảo hộ lao động cá nhân, các dụng cụ bảo hiểm cần thiết cho người lao động, khiến việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) không được đảm bảo và là nguyên nhân chính trong việc gây ra các vụ TNLĐ.
Những con số về TNLĐ trong những năm qua tại Việt Nam đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng yếu kém về văn hóa an toàn lao động trong các DN. Yêu cầu bức thiết đối với các DN là cần phải xây dựng một chuẩn văn hóa an toàn lao động, phải xem an toàn lao động là tiêu chuẩn hàng đầu để xây dựng một nền văn hóa DN phát triển bền vững.
Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động thế giới thì văn hóa an toàn lao động gồm 3 yếu tố: Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh của Nhà nước; việc DN chấp hành pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất để thực thi quy trình, quy phạm an toàn lao động; sự tự giác, tự thân nêu cao ý thức tự bảo vệ mình của người lao động.
Rõ ràng văn hóa an toàn lao động chính là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa DN. Văn hóa DN cũng bao gồm các yếu tố: pháp luật và đạo đức. Yếu tố pháp luật của DN đương nhiên chính là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh của Nhà nước, trong đó có những quy định cho quy trình, quy phạm về bảo hộ lao động. Yếu tố đạo đức ở đây được hiểu là cái tâm của người chủ DN đối với người lao động, thể hiện ở việc thực thi nghiêm chỉnh những quy trình, quy phạm về bảo hộ lao động; chăm lo đời sống, tình cảm của người lao động đối với DN.
Trên thế giới, các nước ngày càng coi trọng công tác AT-VSLĐ và môi trường DN. Đã có những “tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội” và các “quy tắc ứng xử” (COC) được đưa ra, cùng có 3 điểm chung: “Chăm sóc sức khỏe người lao động; đảm bảo điều kiện AT-VSLĐ; bảo vệ môi trường”. Tất cả những sản phẩm ra đời mà vi phạm 1 trong 3 điểm này đều bị coi là “sản phẩm không sạch” và bị thế giới tẩy chay.
Khi kinh doanh không đảm bảo an toàn lao động, DN có thể phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng ngược lại, nếu DN xây dựng được một nền văn hóa an toàn trong DN, kết quả thu được của DN có khi ngoài cả sự mong đợi. Như vậy, văn hóa an toàn không chỉ là một nét văn hóa mang đậm chất nhân văn của DN mà nó còn có thể giúp DN tạo ra những thành tựu quan trọng trong kinh doanh.
Hiện nay, các DN Việt Nam chưa có được cho mình những bộ quy tắc chuẩn về cách thực hiện văn hóa an toàn, nhưng điều quan trọng là các chủ DN cũng phải nhận ra được chân giá trị của văn hóa an toàn. Văn hóa an toàn phải được xây dựng trước hết bằng cái tâm của người quản lý, và cái tâm đó được thể hiện bằng hành động: làm tất cả những gì có thể làm được vì sự an toàn cao nhất cho người lao động.
|