Theo Dự thảo quyết định ban hành một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 và định hướng năm 2020, chính sách tài chính được điều chỉnh theo hướng tăng chi ngân sách giáo dục cho bậc mầm non, đảm bảo đạt ít nhất 12% trong tổng chi cho sự nghiệp giáo dục vào năm 2015 và có mức tăng hợp lý trong các năm tiếp theo.
Thông tin trên đã mang đến nhiều hy vọng đối với đội ngũ giáo viên mầm non và những người quan tâm đến thế hệ trẻ, bởi tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng đến nay ngành học mầm non vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, gây lo ngại trong dư luận xã hội.
Trên phạm vi toàn quốc, ước tính vẫn còn gần 20% trẻ mẫu giáo và gần 80% trẻ độ tuổi nhà trẻ chưa được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non vì thiếu trường lớp và nhiều nguyên nhân khác. Đặc biệt là chất lượng dạy và học ở bậc mầm non, nhất là ở các trường, lớp tư thục còn nhiều yếu kém, sai phạm. Dư luận vẫn chưa quên vụ cô giáo dán băng keo vào miệng trẻ (để trẻ không khóc) dẫn đến tử vong; vụ cô giáo nhốt học sinh 4 tuổi vào thang máy (dùng để vận chuyển thức ăn), khiến cháu bị thương tích. Rồi nhiều vụ trẻ bị bạo hành khác.
Nguyên nhân một phần là do chất lượng đào tạo giáo viên mầm non chưa đảm bảo; mặc dù tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn khá cao nhưng chất lượng chưa tương xứng với trình độ đào tạo, chủ yếu đào tạo từ xa, nâng chuẩn nên còn nhiều hạn chế về mặt phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Mặt khác, công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là các trường tư thục chưa chặt chẽ, nếu không muốn nói là thả nổi.
Nhưng điều quan trọng hơn là do đời sống của giáo viên mầm non, nhất là ở nông thôn, miền núi, chưa được quan tâm đúng mức. So với những giáo viên ở các bậc học khác, công việc của giáo viên mầm non khá bận rộn. Ngoài việc hướng dẫn, dạy dỗ các em, giáo viên mầm non còn phải thực hiện các công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em. Công việc vất vả nhưng mức lương được nhận thấp nên nhiều người không an tâm công tác, một số giáo viên phải bỏ việc.
Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đang được triển khai trên phạm vi toàn quốc với kinh phí thực hiện lên đến 14.660 tỉ đồng. Mục tiêu đặt ra là củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp; bảo đảm đến năm 2015 có 95% số trẻ em năm tuổi được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá...
Bậc học mầm non có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thể chất, tinh thần của trẻ em, là bước khởi đầu để các em làm quen với thế giới chung quanh và hình thành nhân cách.
Chăm lo cho ngành học mầm non đồng nghĩa với việc chăm lo sự nghiệp giáo dục từ gốc
|