Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vừa diễn ra từ 15.4 đến 15.5, đã đạt được những kết quả nhất định trong việc tăng cường bảo đảm ATTP trong xã hội. Nhưng thực tế cũng cho thấy, vấn đề VSATTP vẫn đang là một trong các nguồn gây nhiều bệnh tật, được coi là… “họa từ miệng”!
Nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn luôn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo gần đây của Cục ATVSTP, trên 80% số mẫu dụng cụ ăn uống ở các quán ăn là bẩn; 67% số thịt quay được kiểm nghiệm có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xưởng bị nhiễm vi khuẩn; 88% nem chạo, nem chua, giò, chả có coliform; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa chất ngoài danh mục cho phép.
Còn ở tỉnh ta, kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm từ năm 2010 đến đầu năm 2011 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Định đối với 540 mẫu sản phẩm và 180 mẫu vật dụng cụ tiếp xúc của 6 nhóm thực phẩm trên địa bàn tỉnh, cho thấy: mức độ ô nhiễm về vi sinh ở thịt quay cao hơn cả so với các nhóm thực phẩm được giám sát (19%), tiếp theo là nhóm thực phẩm chả cá (18%), nem chua (11%). Về mức độ ô nhiễm hóa lý, hàn the được sử dụng nhiều trong chả cá, với mức 21%.
Mầm mống bệnh tật còn được tiếp sức bởi hệ thống cơ sở thức ăn đường phố (TĂĐP) mà nhiều chuyên gia y tế thừa nhận là “không thể kiểm soát nổi”. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có tới 5.285 cơ sở TĂĐP, nhưng đến cuối năm 2010 mới chỉ có 1.067 cơ sở, tức chỉ 1/5 tổng số, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Mới đây, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh vừa kiểm tra 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán có liên quan đến VSATTP tại 6 huyện (An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão), thì có tới 15 cơ sở (57,69%) vi phạm về chất lượng, VSATTP như: kinh doanh thực phẩm trong môi trường không đảm bảo vệ sinh; không tổ chức lưu mẫu thực phẩm; không lập hồ sơ khám sức khỏe định kỳ và tham gia tập huấn VSATTP; không làm thủ tục kiểm nghiệm nguồn nước; bảo quản hàng hóa trong môi trường không đảm bảo vệ sinh…
Điều kiện đảm bảo VSATTP yếu kém dẫn đến ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua đường thực phẩm gây tổn hại sức khỏe cộng đồng là không thể tránh khỏi. Để ngăn chặn, phòng chống các dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, việc bảo đảm chất lượng VSATTP đóng vai trò then chốt. Vì vậy, các hoạt động bảo đảm VSATTP phải là hoạt động thường xuyên, liên tục chứ không chỉ gói gọn trong tháng hành động đã qua. Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các biện pháp bảo đảm VSATTP; công tác quản lý trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi thực phẩm được lưu thông trên thị trường; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước về VSATTP… cũng phải là công việc thường xuyên. Các nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cần nêu cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp đối với sức khỏe cộng đồng…
Luật ATTP có hiệu lực từ tháng 7 tới sẽ là một công cụ luật pháp quan trọng để cải thiện tình hình VSATTP, góp phần ngăn “họa từ miệng” hiệu quả hơn. Những điều cơ bản để công tác bảo đảm ATVSTP phát huy hiệu quả đều có trong Luật, song điều quan trọng vẫn là công tác tổ chức thực hiện thật tốt để Luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao nhất.
|