“Thuốc” nào chống thuốc giả?
21:59', 22/5/ 2011 (GMT+7)

Sở Y tế Bình Định vừa có thông báo về thuốc Zinnat giả và yêu cầu các cơ sở kinh doanh sử dụng thuốc không được buôn bán sử dụng loại thuốc này. Trước đó, Sở cũng đã nhiều lần có những thông báo tương tự.

Mặc dù cơ quan quản lý y tế các cấp và hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước đã tăng cường thanh tra, kiểm soát và xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh dược phẩm, nhưng theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, tỉ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng vẫn có chiều hướng gia tăng. Tỉ lệ thuốc giả phát hiện trong 10 năm qua (2001-2010) liên tục tăng, từ 0,03% lên 0,17%. Thuốc giả trước đây thường chỉ phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và nông thôn, thì nay lại tập trung ở những nơi đông dân cư và có sức tiêu thụ lớn. Đặc biệt, thuốc giả ngày càng được làm tinh vi hơn, bằng cảm quan rất khó phát hiện. Và không chỉ có thuốc tây giả, nhiều loại đông dược cũng không đạt tiêu chuẩn, chất lượng, không đúng thành phần đăng ký, không đủ hàm lượng và độ hòa tan.

Thực tế này không chỉ khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện mà nguy hiểm hơn còn đe dọa sức khỏe, làm thiệt hại kinh tế của người tiêu dùng. Nhiều người bệnh chỉ vì sử dụng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã bị nhờn thuốc, tiền mất tật mang.

Nguyên nhân một phần là do hiện nay có nhiều nhà thuốc chỉ có dược sĩ cho mượn tên, còn người bán thuốc không am hiểu gì về thuốc nên với những loại thuốc tráo đổi bao bì, nhãn hiệu, họ vẫn mua vào và bán cho bệnh nhân. Mặt khác, vì lo ngại thông tin về thuốc giả ảnh hưởng tới uy tín của mình, một số cơ sở sản xuất thuốc đã không chủ động thông báo cho cơ quan quản lý hay cảnh báo cho người dân khi sản phẩm của mình bị làm giả.

Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng, giải pháp mà Cục Quản lý dược đưa ra là cần quy định rõ các hình thức xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với những hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào; thành lập lực lượng kiểm soát viên trong ngành dược làm nhiệm vụ kiểm soát chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường.

Các doanh nghiệp dược cũng cần chủ động đưa ra chính sách, quy trình nội bộ về bảo vệ quyền sở hữu, chống hàng giả; cung cấp cho các cơ quan chức năng đầy đủ thông tin về hàng thật, hàng giả, các thông số kỹ thuật, phương tiện để kiểm tra, hỗ trợ giám định. Chỉ khi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu cùng đồng lòng chống nạn thuốc giả, thì khi đó, người bệnh mới an tâm rằng uống thuốc để chữa bệnh, chứ không phải mang thêm bệnh vào người.

Pháp luật của chúng ta không thiếu để nghiêm trị những kẻ kinh doanh thuốc giả. Theo điều 157 Bộ luật Hình sự, đối với trường hợp sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả thì khi phát hiện đối tượng vi phạm có thể bị truy tố ngay mà không phải qua bước xử lý hành chính. Người bán nếu biết rõ là thuốc giả nhưng vẫn bán, không cần biết vì mục đích lợi nhuận hay mục đích nào khác thì đều bị xử lý.

Vấn đề là các cơ quan pháp luật, các nhà sản xuất, mua bán thuốc chân chính có quyết tâm làm hay không?

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngày trọng đại !   (22/05/2011)
Ngăn… “họa từ miệng”  (21/05/2011)
Chọn mặt gửi vàng  (19/05/2011)
Cần và đủ  (17/05/2011)
Chăm từ gốc  (15/05/2011)
Tin tưởng và kỳ vọng  (14/05/2011)
Văn hóa an toàn  (13/05/2011)
Vận động tranh cử   (12/05/2011)
Xăng dầu và tin đồn  (10/05/2011)
Không nửa vời  (08/05/2011)
Chuyển nhận thức thành hành động   (07/05/2011)
Xóa… vòng luẩn quẩn !  (06/05/2011)
Hứa với dân  (06/05/2011)
Tăng cường tuyên truyền cho bầu cử  (05/05/2011)
Đừng quên lời “cám ơn!”, “xin lỗi!”  (03/05/2011)