Tăng viện phí - tăng có đều?
22:20', 24/5/ 2011 (GMT+7)

Bộ Y tế đang hoàn tất việc đưa ra khung giá mới đối với hàng trăm dịch vụ y tế, trong đó có không ít dịch vụ tăng đến 10 lần. Trong số 350 dịch vụ thì 220 dịch vụ có mức tăng dưới 2,5 lần, khoảng 70 dịch vụ có mức tăng 7-10 lần. Ví dụ: giá găng tay từ 200- 300 đồng tăng lên 2.500 - 3.000 đồng/chiếc, loại dùng cho chuyên khoa 6.000 - 7.000 đồng/chiếc; chỉ phẫu thuật không tiêu theo quy định giá 1.000 - 2.000 đồng/sợi, nay dùng chỉ tự tiêu giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng/sợi. Tiền giường bệnh từ 10.000 đồng, nay tăng lên 100.000 đồng đối với ngày điều trị nội khoa; còn giường bệnh điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt, bỏng trên 70% diện tích cơ thể tăng khoảng 8 lần so với giá cũ là 150.000 đồng/ngày…

Giá viện phí hiện áp dụng tại các cơ sở y tế đã được ban hành từ 16 năm trước. Việc tăng giá viện phí vì thế được xem là tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh giá cả các mặt hàng phục vụ đã tăng gấp nhiều lần. Điều đáng nói ở đây là việc tăng giá viện phí lần này sẽ kéo theo một loạt vấn đề liên quan.

Với cơ quan BHXH, việc tăng giá đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh, nhất là người nghèo và các nhóm đối tượng khó khăn, một khi họ phải cùng chi trả từ 5% đến 20%. Các dịch vụ y tế tăng thì Quỹ BHYT thanh toán phải tăng theo. Hiện cơ cấu chi phí thanh toán là tiền công và tiền khám, khoản chi phí này không nhiều.

Việc tăng viện phí có nghĩa là mức BHYT cũng tăng, đồng thời, đòi hỏi người dân phải tham gia BHYT nhiều hơn mới gánh nổi chi phí khi phải vào bệnh viện. Tuy nhiên, số người tham gia BHYT ở nước ta hiện mới khoảng 60%, còn tại Bình Định chưa đến mức này. Trong đó, một số nhóm đối tượng khó khăn theo quy định phải bắt buộc tham gia BHYT (đơn cử như người cận nghèo) đến thời điểm này vẫn còn rất ít. Một cuộc hội thảo mới đây tại TP Quy Nhơn về vấn đề BHYT cho thấy, dù được hỗ trợ 50% mức phí tham gia BHYT, nhưng trên thực tế rất nhiều người không có điều kiện để tham gia.

Thông tin chuẩn bị tăng viện phí lại một lần nữa được đưa ra trong thời vật giá leo thang khiến cho người dân, đặc biệt là người bệnh rất lo lắng. Theo quan điểm Bộ Y tế thì việc điều chỉnh giá viện phí sắp tới sẽ thực hiện theo hướng tính đúng, tính đủ để duy trì, bảo đảm cho các bệnh viện hoạt động ổn định...

Đối với người bệnh thì ngoài giá cả, điều mà bệnh nhân quan tâm hơn hết là chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh nhân nào cũng cảm thấy thỏa mãn khi được bác sĩ khám và hỏi thăm tận tình. Nhưng nhiều người vẫn không khỏi ám ảnh khi phải đi khám chữa bệnh BHYT, dù lãnh đạo các bệnh viện khẳng định không hề có khoảng cách hay sự phân biệt trong khám chữa bệnh giữa bệnh nhân BHYT và bệnh nhân dịch vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi có chủ trương tăng giá viện phí, Bộ Y tế cần nên rạch ròi việc tăng giá viện phí, không nên tăng đại trà vì thực ra, hầu hết các bệnh viện hiện nay đều thực hiện theo Nghị định 43, tự chủ tài chính toàn phần, bán phần hay một phần nên đều có phát triển loại hình khám chữa bệnh dịch vụ, người dân tự bỏ tiền túi ra mà giá cả cũng không hề rẻ chút nào. Và liệu tăng như thế, thì chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng điều trị và quan trọng nhất là thái độ phục vụ của nhân viên y tế có tăng theo tỉ lệ thuận hay không?                                  

  • Huệ Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Thuốc” nào chống thuốc giả?  (22/05/2011)
Ngày trọng đại !   (22/05/2011)
Ngăn… “họa từ miệng”  (21/05/2011)
Chọn mặt gửi vàng  (19/05/2011)
Cần và đủ  (17/05/2011)
Chăm từ gốc  (15/05/2011)
Tin tưởng và kỳ vọng  (14/05/2011)
Văn hóa an toàn  (13/05/2011)
Vận động tranh cử   (12/05/2011)
Xăng dầu và tin đồn  (10/05/2011)
Không nửa vời  (08/05/2011)
Chuyển nhận thức thành hành động   (07/05/2011)
Xóa… vòng luẩn quẩn !  (06/05/2011)
Hứa với dân  (06/05/2011)
Tăng cường tuyên truyền cho bầu cử  (05/05/2011)