Nỗi buồn… giám thị !?
21:29', 27/5/ 2011 (GMT+7)

Một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) nữa lại đến. Đây là kỳ thi được ví như một đợt sát hạch để cấp giấy thông hành cho những người trẻ bước vào cuộc hành trình tới tương lai của cuộc đời mình. Bởi sau kỳ thi này, mỗi “cô tú”, cậu tú” sẽ chọn cho mình một hướng lập thân, lập nghiệp khác nhau: học đại học, cao đẳng hay học nghề, tìm việc làm… Vì vậy, cùng với sự lo lắng của các thí sinh là sự lo toan của các bậc cha mẹ học sinh.

Còn ở các trường THPT, những ngày này không khí mùa thi cũng đã bắt đầu nóng lên. Bên cạnh nhiệm vụ thầy cô phải dạy, học sinh phải ôn thi (vốn là chuyện đương nhiên), thì còn một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng nữa, đó là huy động các khoản đóng góp phục vụ cho việc tổ chức thi tốt nghiệp. Có lẽ đã thành thông lệ, học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT là phải… “tự nguyện” đóng góp để… “hỗ trợ thi tốt nghiệp” ở trường của mình. Có thể mức thu mỗi trường có khác nhau, nhưng cùng chung mục đích mà có lẽ… ai cũng hiểu.

Theo quy định của ngành giáo dục, đi coi thi là nhiệm vụ của giáo viên. Và ngành cũng đã có chế độ công tác phí theo quy định cho giáo viên trong thời gian làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT.  Nhưng trên thực tế, bên cạnh chế độ chung thì giáo viên còn được trường sở tại đón tiếp cẩn thận, như: mời ăn uống thịnh soạn, mời giải trí thư giãn trong thời gian nghỉ ngơi, thậm chí có nơi còn tặng… “phong bì” khi làm xong nhiệm vụ… Nếu sự tiếp đón trên đây chỉ đơn thuần là tinh thần hiếu khách, trọng thị thầy cô của các trường học, theo kiểu… “nhà có điều kiện” thì chắc chắn giáo viên coi thi cũng không có gì phải lấy làm áy náy. Nhưng thực tế thì lại chẳng hề đơn giản như thế. Để có kinh phí đón tiếp thịnh soạn cho hội đồng thi, nhiều trường học phải thu tiền của học sinh với danh nghĩa “hỗ trợ thi tốt nghiệp” với khoản thu có lẽ còn lớn hơn cả học phí. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng phải “gắng” mà nộp, bởi khoản thu này đã được sự thông qua, nhất trí của các đại diện phụ huynh học sinh.

Và cái nguyên tắc bất thành văn “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” sẽ không thể không theo. Khi đón tiếp giáo viên coi thi, các hội phụ huynh và lãnh đạo các trường sở tại thế nào cũng tìm cách khéo léo để… “nhờ” các thầy cô giáo tạo điều kiện cho các em làm bài tốt hay “coi các em học sinh ở đây như học sinh của mình”… Thế là trong quá trình coi thi, dù ít dù nhiều thế nào giáo viên coi thi cũng phải “làm ngơ” trước “những điều trông thấy” trong kỳ thi như cảnh học sinh chép bài của nhau hay sử dụng tài liệu một cách thoải mái. Cũng có giáo viên muốn làm nghiêm túc trong kỳ thi nhưng trước những áp lực vì những điều… “tế nhị”, nên cũng đành tặc lưỡi buông xuôi để rồi không ít giáo viên mang theo mình… “nỗi buồn giám thị” canh cánh trong lòng mà không thể tỏ bày!

Có thể nói, hầu hết giáo viên đều rất thông cảm và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với học sinh và các trường. Họ sẵn sàng làm nhiệm vụ và chỉ hưởng đúng chế độ của mình theo quy định và thực hiện đúng nhiệm vụ, vai trò của giám thị trong kỳ thi. Tất nhiên, với một số nơi mà điều kiện ăn ở còn khó khăn, nếu có thể được thì địa phương nên hỗ trợ giáo viên coi thi bằng cách thu xếp giúp chỗ ngủ nghỉ thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ là đủ.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cùng các địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ để các trường THPT thực hiện nghiêm việc không thu tiền “hỗ trợ thi” của học sinh. Làm được như vậy, sẽ tạo điều kiện để giảm thiểu các cơ hội nảy sinh tiêu cực trong thi cử, đồng thời cũng sẽ giảm bớt “nỗi buồn giám thị” cho giáo viên làm nhiệm vụ coi thi!

  • Ngôn Trung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người tài và chế độ đãi ngộ  (26/05/2011)
Tăng viện phí - tăng có đều?   (24/05/2011)
“Thuốc” nào chống thuốc giả?  (22/05/2011)
Ngày trọng đại !   (22/05/2011)
Ngăn… “họa từ miệng”  (21/05/2011)
Chọn mặt gửi vàng  (19/05/2011)
Cần và đủ  (17/05/2011)
Chăm từ gốc  (15/05/2011)
Tin tưởng và kỳ vọng  (14/05/2011)
Văn hóa an toàn  (13/05/2011)
Vận động tranh cử   (12/05/2011)
Xăng dầu và tin đồn  (10/05/2011)
Không nửa vời  (08/05/2011)
Chuyển nhận thức thành hành động   (07/05/2011)
Xóa… vòng luẩn quẩn !  (06/05/2011)