Cấm cũng bằng không!
20:38', 31/5/ 2011 (GMT+7)

Từ mấy năm nay, hành vi hút thuốc lá đã trở thành bất hợp pháp ở những nơi công cộng quan trọng nhất như trường học, bệnh viện, rạp chiếu bóng, nhà ga bến tàu... Chế tài cũng đã có, hết Nghị định 45 và gần đây nhất là Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính Phủ.

Xin nhắc lại một số nội dung chính trong Quyết định 1315 của Chính phủ về xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Quyết định nêu rõ việc hút thuốc lá sẽ bị nghiêm cấm tại lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở lần đầu, lần thứ hai phạt hành chính 50.000 đồng và vi phạm lần ba bị phạt 100.000 đồng. Chủ tịch UBND các cấp, Công an, Thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm xử phạt. Tuy nhiên cho đến nay, việc giám sát hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn khó thực hiện. Hiện tại, chưa có cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc xử phạt. Nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn xử phạt cụ thể, không biết xử phạt như thế nào, nên giao cho ai đảm trách việc xử phạt, biên lai thu phạt ra sao, nên việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng chỉ triển khai ở mức độ… khuyến cáo.

Ngay tại các bệnh viện, vẫn còn có hiện tượng hút thuốc. Chính lãnh đạo các bệnh viện cũng thừa nhận tình trạng hút thuốc lá, thậm chí là hút với “tần suất” cao ngay trong đội ngũ những người hiểu rõ nhất tác hại và làm nhiệm vụ tuyên truyền về phòng, chống sự độc hại của khói thuốc.

Theo điều tra mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam hiện là một trong nhóm 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Có tới 47,4% nam giới ở nước ta hút thuốc lá, thuốc lào và số lượng phụ nữ hút thuốc lá cũng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là với đối tượng trẻ.

Đáng lo ngại hơn, trong điều tra của Viện Chiến lược chính sách y tế cho thấy, có tới 33 triệu người ở nước ta đang phải chịu đựng hút thuốc lá thụ động do sống và làm việc trong môi trường có thuốc lá. Thậm chí ngay cả trong môi trường bệnh viện, trường mẫu giáo, số người phải hít khói thuốc thụ động cũng lên tới 23%.

Thuốc lá là thủ phạm làm chết 5 triệu người mỗi năm trên thế giới. Con số này sẽ tăng lên 10 triệu người vào năm 2020 nếu không có biện pháp hiệu quả để hạn chế việc này. Chất độc nicotine trong thuốc lá tấn công hầu hết các nội tạng. Không chỉ người nghiện mới gặp họa do thuốc lá, ngay cả hút ít, bệnh tật vẫn xảy ra. Và cả những người hít phải khói thuốc của người khác cũng gặp nguy hiểm.

Có ý kiến cho rằng, cấm hay không không quan trọng, vấn đề là phải làm sao để tôn trọng những người không hút, như trẻ em, phụ nữ... Nhưng ngay chính cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng chống thuốc lá cũng cho rằng, chúng ta đang bế tắc trong việc quy định cơ quan nào đứng ra xử phạt. Lực lượng Thanh tra quá mỏng không kham nổi, bảo vệ không đủ quyền hạn, Công an cũng chưa được giao việc này. Do đó, quy định có, chế tài có nhưng việc cấm hút thuốc vẫn chỉ là hình thức!

  • Trâm Anh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chính sách và thực tế cuộc sống  (29/05/2011)
Thuận & nghịch!  (28/05/2011)
Nỗi buồn… giám thị !?   (27/05/2011)
Người tài và chế độ đãi ngộ  (26/05/2011)
Tăng viện phí - tăng có đều?   (24/05/2011)
“Thuốc” nào chống thuốc giả?  (22/05/2011)
Ngày trọng đại !   (22/05/2011)
Ngăn… “họa từ miệng”  (21/05/2011)
Chọn mặt gửi vàng  (19/05/2011)
Cần và đủ  (17/05/2011)
Chăm từ gốc  (15/05/2011)
Tin tưởng và kỳ vọng  (14/05/2011)
Văn hóa an toàn  (13/05/2011)
Vận động tranh cử   (12/05/2011)
Xăng dầu và tin đồn  (10/05/2011)