Mừng và lo
20:6', 19/6/ 2011 (GMT+7)

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề xuất cấp thẩm quyền trong 5 năm tới (2011-2015) cần 11.000 tỉ đồng để thực hiện dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015.

Qua đó, dự kiến mỗi năm sẽ đầu tư tổng thể 50-60 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 100-150 di tích; hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua 10-30 hiện vật mỗi năm; tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên ngành làm công tác tôn tạo, tu bổ di tích...

Thông tin trên đã mang đến cho những người quan tâm sự vui mừng, phấn khởi vì “kho báu” của quốc gia đã được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. Nhưng cũng có nhiều người kể cả các chuyên gia tỏ ra lo lắng; lo tiền nhiều, đầu tư nhiều mà hiệu quả lại kém; có khi lại dẫn đến sự hủy hoại nhanh chóng các di tích.

Nỗi lo này có cơ sở. Thời gian qua báo chí và dư luận đã đề cập một số hiện tượng chưa đúng trong công tác trùng tu di tích như những cấu kiện kiến trúc và điêu khắc có tuổi đời hàng thế kỷ bị loại bỏ khỏi kiến trúc di tích để làm mới; nền gạch đỏ rêu phong cổ kính bị bóc đi để thay thế bằng nền gạch đá hoa hiện đại; bệ đặt tượng được bê-tông hóa, những pho tượng cổ bị quét sơn công nghiệp một cách cẩu thả, vô hồn... 

Những cách làm này đã làm cho không gian cổ kính, thâm nghiêm của nhiều di tích bị biến dạng hoặc bị phá vỡ. Hậu quả là chúng ta mất đi tính nguyên vẹn của một số di tích; con cháu đời sau không còn cơ hội chiêm ngưỡng và tìm lại những di tích đó. Vì một khi đã bị phá hỏng và làm mới, cơ hội để phục dựng nguyên trạng sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Nguyên nhân là do người thực hiện việc trùng tu di tích không đủ trình độ và kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khâu giám sát việc quản lý, bảo tồn và trùng tu di tích bị buông lỏng, chỉ quan tâm “tính vật chất” của di tích mà xem nhẹ “tính tinh thần” của nó. Tâm lý khá phổ biến của nhiều người có dự án bảo tồn, tôn tạo di tích là muốn làm cho di tích của mình to đẹp hơn. Trong khi, yêu cầu tối thượng của công tác bảo tồn là giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, áp dụng các phương pháp khoa học về bảo quản, gia cố, tu sửa có mức độ khi thấy cần thiết, chỉ khôi phục những thành phần đã mất khi có đủ tư liệu khoa học nhằm duy trì sự tồn tại lâu dài của di tích để trao truyền lại cho thế hệ sau. Hoạt động tôn tạo di tích không đồng nghĩa với việc làm mới hay phục dựng lại di tích mà là việc giải quyết cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện các điều kiện để phát huy giá trị di tích.

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, rất cần sự đồng thuận của cộng đồng, kiến thức chuyên sâu về bảo tồn di sản văn hóa và trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn các di sản lịch sử - văn hóa.

  • Ngọc Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi lo… trẻ cô đơn !  (18/06/2011)
“Lỗ hổng” quản lý !?   (17/06/2011)
Bản lĩnh và trí tuệ của nhà báo  (16/06/2011)
“Ghìm” giá thuốc?  (14/06/2011)
Đổi mới đề thi, đổi mới dạy học  (12/06/2011)
Người Việt với hàng Việt  (11/06/2011)
Văn hóa quảng cáo!  (11/06/2011)
Người tài là người như thế nào?  (09/06/2011)
“Ngày mai” sẽ hoàn thành!  (07/06/2011)
Nâng cao chất lượng dân số  (05/06/2011)
Trọng trách lớn lao !   (04/06/2011)
“Giá đá… lương” !?   (03/06/2011)
Giáo viên mầm non, bao giờ hết khó?  (02/06/2011)
Cấm cũng bằng không!  (31/05/2011)
Chính sách và thực tế cuộc sống  (29/05/2011)